Qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô (Luật Thủ đô có hiệu lực ngày 1/7/2013), việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật vẫn còn tồn tại, hạn chế trong nhiều lĩnh vực, một số nội dung điều luật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội thảo luận lần đầu về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Nhóm phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài "Sửa đổi Luật Thủ đô để Hà Nội tăng tốc phát triển" gồm 4 bài viết, ghi nhận ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền cũng như nhân dân Thủ đô về việc cần sớm sửa đổi Luật, đáp ứng yêu cầu phát triển thực tiễn, góp phần xây dựng Thủ đô “văn hiến-văn minh-hiện đại.”
Bài 1: Tự soi và sửa Luật để gần với thực tiễn phát triển
Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước đang ngày càng phát triển ngang tầm với thủ đô của các quốc gia trên thế giới, xứng tầm với vị trí, vai trò quan trọng, xứng đáng với lịch sử, đất nước, niềm tin của nhân dân thành phố và cả nước.
Luật Thủ đô (sửa đổi): Có chính sách riêng để 'giữ chân' người tài
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có Điều 17, 18 đề cập đến chính sách đãi ngộ nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Tuy nhiên, Luật Thủ đô năm 2012 không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Do đó, sửa đổi Luật Thủ đô là vấn đề bức thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển.
"Chiếc áo hẹp" cho Thủ đô rộng lớn
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.
Sau hơn 9 năm thực hiện cho thấy, Luật bộc lộ những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển trong giai đoạn hiện nay như: Nội dung của Luật chưa đầy đủ, còn thiếu những quy định cần thiết về cơ chế, chính sách; một số điều luật chỉ mang tính nguyên tắc, định hướng chung mà chưa có các quy định cụ thể đặc thù, nên khó thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Luật Thủ đô năm 2012 có ý nghĩa quan trọng, nhưng quá trình triển khai còn nhiều hạn chế, tồn tại; chủ yếu còn mang tính chất khung, nguyên tắc, định hướng, tính hiện thực còn hạn chế. Thậm chí, một số khoản, điều của luật khác ban hành sau cao hơn Luật Thủ đô. Mục tiêu tạo đột phá cho phát triển của Luật Thủ đô năm 2012 chưa đạt được.
Trong hơn 9 năm qua, tình hình thực tiễn có nhiều thay đổi, nhiều vấn đề mới nảy sinh và diễn biến phức tạp so với trước mà Luật Thủ đô chưa đề cập đến. Ngoài ra, một số luật mới, quy định mới được ban hành, trong đó có những điều luật khác với Luật Thủ đô như Luật Cư trú, Luật Nhà ở…
Trước thực tiễn đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô trong tình hình hiện nay là cần thiết để tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Năm, Đại học Luật Hà Nội cho biết sau khi Luật Thủ đô được ban hành và có hiệu lực, đã có nhiều đạo luật chuyên ngành được ban hành như Luật Bảo vệ Môi trường (năm 2014 và năm 2020), Luật Tài nguyên Nước, Luật Lâm nghiệp, Luật Quy hoạch (năm 2017), Luật Xây dựng (năm 2014, sửa đổi năm 2020), Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Luật Cư trú năm 2020, Luật Giáo dục năm 2019…
Các luật ban hành sau có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề hoặc bãi bỏ quy định của Luật Thủ đô. Đơn cử như Luật Cư trú đã bãi bỏ khoản 3, 4 Điều 19 Luật Thủ đô.
Ngoài ra, Luật Thủ đô và các luật có liên quan chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất đã làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả trong việc tổ chức thi hành Luật.
Ví dụ, Luật Thủ đô giao thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết cho thành phố Hà Nội như: Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân về thứ bậc hiệu lực pháp lý thấp hơn các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương ban hành.
Do đó, khi các luật, nghị định, thông tư được ban hành có quy định khác, nhiều nội dung đặc thù được giao cho Thủ đô quy định chi tiết đã không thể thực hiện được.
Vấn đề bức thiết
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đồng quan điểm cho rằng Luật Thủ đô đã phát huy hiệu quả từ năm 2013. Tuy nhiên thực tế cho thấy, pháp luật về Thủ đô thời gian qua vẫn chưa đầy đủ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật là vấn đề bức thiết, để tạo xung lực mới phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Bên cạnh đó, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, cần phải có những cơ chế quản lý, đầu tư khác biệt so với các địa phương khác. Từ đó, sửa đổi Luật Thủ đô phải đặt cơ chế thực sự đặc thù, tạo khuôn khổ pháp lý rộng hơn, áp dụng riêng cho Thủ đô.
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu mới phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cao hơn trước.
Bởi Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia; đặc biệt, phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Với tầm quan trọng đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay rất quan trọng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị; đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “văn hiến-văn minh-hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là cần thiết, để kịp thời thể chế hóa những chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố về vị trí, vai trò, định hướng phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật còn nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, vị trí, vai trò quan trọng của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Luật, củng cố cơ sở pháp lý thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung Luật còn nhằm bổ sung quy định mới về mô hình chính quyền đô thị và cơ chế tài chính-ngân sách đặc thù cho Thủ đô phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Nhấn mạnh xuất phát từ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô, đặc biệt là các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng lớn trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và từ thực tiễn tổng kết thi hành Luật Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết thành phố Hà Nội đã đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Luật được sửa đổi sẽ giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô. Sự đổi thay, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là động lực để từng bước Thủ đô "hóa Rồng”./.
Đón đọc Bài 2: "Cởi trói" cơ chế, chính sách để Thủ đô phát triển xứng tầm