Bài 2: Làm gì để khai thác 'Con gà đẻ trứng vàng’ công nghiệp văn hóa?

Công nghiệp văn hóa: Tiềm năng đang chờ được 'đánh thức'

Các chuyên gia cho rằng chỉ khi nền công nghiệp văn hóa Việt Nam được nhận diện đầy đủ trong bối cảnh toàn cầu thì chúng ta mới có những giải pháp phát triển phù hợp.
Màn trình diễn ánh sáng trước Nhà hát Lớn. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Màn trình diễn ánh sáng trước Nhà hát Lớn. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Bài 2: Làm gì để khai thác 'Con gà đẻ trứng vàng’ công nghiệp văn hóa?

Việc chất xám “bị đánh cắp” hay những rào cản trong việc tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa “made in Việt Nam” với các sản phẩm ngoại không phải là câu chuyện mới. Vậy công nghiệp văn hóa là gì, liệu chúng ta đã ý thức được giá trị của “viên ngọc thô” này và có sự chăm chút xứng đáng để nó tỏa sáng?

Cần hiểu đúng thế nào là công nghiệp văn hóa

Mọi quốc gia đều có nền văn hóa-nghệ thuật nhưng không phải quốc gia nào cũng có công nghiệp văn hóa. Tiến sỹ Nguyễn Thị Quý Phương (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các Cơ quan Trung ương) cho rằng chúng ta đang nói tới một nền công nghiệp văn hóa được gọi tên mà chưa được định hình.

Theo định nghĩa của UNESCO, công nghiệp văn hóa là một phần của ngành công nghiệp sáng tạo, được hình thành từ sự kết hợp của sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa và được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ. 

Công nghiệp văn hóa: Tiềm năng đang chờ được 'đánh thức' ảnh 1Tiến sỹ Nguyễn Thị Quý Phương cho rằng chúng ta đang nói tới một nền công nghiệp văn hóa được gọi tên mà chưa được định hình. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Lấy ví dụ để hình thành công nghiệp điện ảnh, bà Quý Phương cho rằng phải có sự liên kết một cách đồng bộ, chuyên nghiệp giữa thành phần sáng tạo điện ảnh là đạo diễn, biên kịch, diễn viên..., khai thác giá trị văn hóa của dân tộc, kết hợp với sử dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ năng kinh doanh là xây dựng thương hiệu cho bộ phim, đạo diễn, diễn viên, tổ chức sự kiện, phát triển khán giả...

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đồng tình với quan điểm trên. Ông cho hay tại Việt Nam, cơ cấu của công nghiệp văn hóa gồm 12 ngành: Điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa; quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ.

Theo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố năm 2017, doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo toàn cầu là 2,25 nghìn tỷ USD, mang lại 29,5 triệu việc làm, tức là nhiều hơn cả ngành công nghiệp xe hơi của châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ cộng lại (25 triệu), Riêng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, doanh thu của ngành này là 743 tỷ USD và tạo việc làm cho 12,7 triệu lao động.

Theo số liệu của UNESCO, năm 2017, các ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc đóng góp 4,23% vào GDP quốc gia, tăng 12,8% so với năm 2016 và tạo ra 21,4 triệu việc làm.

[Phó Thủ tướng: Ngành văn hóa phải đẩy mạnh số hóa trong năm 2022]

Trong khi đó, các sản phẩm của làn sóng giải trí Hàn Quốc (Hallyu) đã đóng góp 10,8 tỷ USD vào GDP theo thống kê năm 2019. Tính đến tháng 8/2020, Hàn Quốc đã thành lập 32 Trung tâm Văn hóa tại 28 quốc gia trên khắp châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu và châu Mỹ để quảng bá Hallyu. Bằng cách đó, “sức mạnh mềm” của Hàn Quốc đã lan tỏa khắp toàn cầu.

Những con số này cho thấy công nghiệp văn hóa đang là “con gà đẻ trứng vàng” tại nhiều quốc gia và mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn sẽ là hướng đi thức thời của Việt Nam.

… Và một chiến lược đầu tư bài bản

Theo tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Việt Nam chưa đầu tư cho văn hóa một cách tương xứng. Hay nói cách khác, 12 ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa phát triển theo hướng kinh tế thị trường.

Công nghiệp văn hóa: Tiềm năng đang chờ được 'đánh thức' ảnh 2Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: BVHTTDL)

“Nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn hẹp, chưa đồng bộ và hiệu quả. Mục tiêu 2010 đầu tư cho văn hóa đạt 1,8% ngân sách, nhưng đến năm 2019, Chính phủ báo cáo mới chỉ được 1,71%. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 là 1,12% ngân sách là chưa tương xứng với mục tiêu chấn hưng văn hóa,” ông Sơn nêu ý kiến.

Nguồn lực trong lĩnh vực văn hóa thể hiện ở 3 yếu tố: Cơ sở vật chất, tài chính và nhân lực thì cả 3 yếu tố này đều chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 vừa qua, báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy tính đến 2021, doanh thu chiếu phim của Việt Nam đạt 1.100 tỷ đồng, doanh thu của các đơn vị nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý là 5,3 tỷ đồng. Nguồn vốn chi thường xuyên cho sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch là hơn 2.500 tỷ đồng.

[Giải quyết 'bài toán' thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay]

Báo cáo cũng thống kê tổng số vở diễn sân khấu, số triển lãm tổ chức trong năm, số tượng đài được xây dựng… Trong khi đó, giá trị thị trường mỹ thuật lại không có con số cụ thể. Tổng số vé xem nghệ thuật được bán ra là bao nhiêu cũng không có, số lượng hãng phim tư nhân cũng không được thống kê do sản xuất phim không còn là ngành nghề áp dụng điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư năm 2020.

Công nghiệp văn hóa: Tiềm năng đang chờ được 'đánh thức' ảnh 3Điện ảnh là một trong 12 ngành tạo nên công nghiệp văn hóa Việt Nam. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

“Việc tồn tại các ngành nghệ thuật không bảo đảm rằng các ngành này đương nhiên trở thành các ngành công nghiệp văn hóa. Chúng ta phải quan niệm các sản phẩm văn hóa là hàng hóa, đáp ứng các quy luật thị trường để có chiến lược kinh doanh phù hợp bối cảnh xã hội. Muốn vậy, công tác thống kê phải đánh giá đúng thực trạng sự phát triển của văn hóa," ông Sơn nói.

Còn rất nhiều thành tựu của ngành văn hóa nước nhà không được thống kê, chẳng hạn như chỉ số phát triển của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam. Tương tự, ngành sáng tạo phần mềm và game được xác định là ngành công nghiệp không khói tỷ đô với giá trị thặng dư siêu ngạch, song thống kê về sự hình thành và phát triển của lĩnh vực này hoàn toàn không có. 

Đây cũng là lý do mà tại Báo cáo kinh tế sáng tạo toàn cầu của Liên hợp quốc phát hành năm 2018 (báo cáo mới nhất) có thống kê về sự phát triển của công nghiệp văn hóa-sáng tạo trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có cả Afghanistan, Palestine…) nhưng lại không hề có tên Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là Việt Nam chưa có những con số thống kê thể hiện được thực trạng phát triển văn hóa của đất nước. Theo họ, số liệu thống kê ở thời điểm hiện nay không còn là những con số khô khan mà nó là nguồn lực, nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là "mỏ vàng lộ thiên" để nhận diện nền công nghiệp văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu.

Chính vì vậy, trước Quốc hội, ông Bùi Hoài Sơn đã đề nghị bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê về văn hóa nhằm giúp đánh giá, định lượng chính xác thực trạng để từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm phát triển văn hóa Việt Nam. Cụ thể, ông Sơn cho rằng các chỉ tiêu về thiết chế văn hóa như: Bảo tàng, rạp hát, rạp chiếu phim… nên được bổ sung./.

Xem toàn bộ loạt bài trong series này:

Bài 1: “Ba chìm bảy nổi” với công nghiệp văn hóa

Bài 2: Làm gì để khai thác ‘Con gà đẻ trứng vàng’ công nghiệp văn hóa?

Bài 3: ‘Cần nuôi dưỡng tài năng, khơi dậy khát vọng làm văn hóa’

Bài 4: Cần lắm những cái “bắt tay” để khơi thông mạch nguồn sáng tạo

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục