Bài 5: Mục tiêu phát triển bền vững: ‘Đường xa cần có ngựa khỏe’

Bài 5: Mục tiêu phát triển bền vững: ‘Đường xa cần có ngựa khoẻ’

Trong các chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững thường nổi lên bóng dáng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn trở thành các chủ thể chính dẫn dắt chuỗi không phải dễ làm.
Anh Trương Văn Lần, tại thôn Ngườm Vài, Hà Quảng sau khi chuyển đổi cây trồng từ ngô sang gừng hữu cơ đã có thu nhập từ 30 triệu đồng – 50 triệu đồng/năm. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)
Anh Trương Văn Lần, tại thôn Ngườm Vài, Hà Quảng sau khi chuyển đổi cây trồng từ ngô sang gừng hữu cơ đã có thu nhập từ 30 triệu đồng – 50 triệu đồng/năm. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Việt Nam là quốc gia có lợi thế về phát triển nông nghiệp. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn chú trọng thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Nghị quyết 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời và được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ.

Để cụ thể hóa các mục tiêu đặt ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và Quyết định số 800/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với nông nghiệp, Chính phủ cũng ra Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Sau 11 năm thực hiện Nghị quyết 26, nhiều thành tựu tích cực tại một số ngành, địa phương đã được ghi nhận, tuy nhiên để đạt được kết quả bền vững lâu dài, vấn đề quan trọng nhất vẫn nằm ở khâu nhận thức và năng lực của các bên liên quan.

Bài 5: Mục tiêu phát triển bền vững: ‘Đường xa cần có ngựa khoẻ’ ảnh 1 Tổ hợp tác Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn chuyển đổi từ trồng nghệ truyền thống sang mô hình sản xuất hữu cơ. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Phía trước còn nhiều... chông chênh

Trở lại câu chuyện của huyện miền núi Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương cùng Công ty Phát triển Nông nghiệp và tư vấn Môi trường (DACE) trong việc tìm hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đồng thời gắn với nhu cầu thị trường, nhưng đây mới chỉ là bước đầu của sự thành công.

Với gia đình anh Trương Văn Lần, tại thôn Ngườm Vài, Hà Quảng, từ một hộ nông dân nghèo, sau khi chuyển đổi cây trồng từ ngô sang gừng hữu cơ đã có thu nhập từ 30 triệu đồng – 50 triệu đồng/năm là một sự thay đổi lớn về sinh kế.

Tuy nhiên với những đồng bào dân tộc thiểu số, không phải ai cũng dễ dàng nắm bắt học hỏi kỹ thuật, mô hình sản xuất mới.

Trường hợp của Trương Văn Đại, 40 tuổi, người dân tộc Nùng lại không được may mắn như anh Lần. Cùng mọi người trong thôn tham gia vào dự án trồng gừng hữu cơ, song anh Đại chưa nắm bắt được khâu chăm sóc và xử lý úng ngập tại ruộng mỗi khi gặp mưa lớn, nên phần lớn diện tích trồng gừng nhà anh Đại đã bị thối, hỏng.

Anh Đại thất thểu trao đổi với các nhà báo trong tâm trạng đầy thất vọng: “Tôi trồng gừng đã được hai năm. Năm ngoái mưa ít cũng kiếm được mấy chục triệu nhưng năm nay mưa nhiều, gừng thối hết rồi! Không ăn thua đâu!”

Với ông Nguyễn Văn Luyến, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn lại ở một khía cạnh khác. Xã Đôn Phong có vị trí gần tiếp giáp đô thị do đó mức sống ở đây sẽ cao hơn so với các sâu, vùng xa, do đó ông Luyến mong muốn Công ty Nông sản Bắc Kạn có thêm năng lực phát triển thị trường ở các phân khúc cao cấp, phù hợp với chất lượng và giá trị của củ nghệ hữu cơ. Từ đó, giá bao tiêu sản phẩm đầu ra được tăng lên, thay vì mức 5.000 đồng/kg như hiện nay.

Bài 5: Mục tiêu phát triển bền vững: ‘Đường xa cần có ngựa khoẻ’ ảnh 2Ông Nguyễn Văn Luyến, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Hạnh Nguyễn /Vietnam+)

“Trồng cây nghệ hữu cơ rất khó khăn, vất vả nhiều hơn so sản xuất sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, mức thu nhập bình quân hộ nông dân đạt khoảng 30 triệu đồng-40 triệu đồng/năm là chưa tương xứng. Doanh nghiệp liên kết cần phải có những giải pháp tốt hơn cho thị trường đầu ra, từ đó chính sách giá thu mua được nâng lên. Có như vậy mới mới có thể khuyến khích mô hình sản xuất hữu cơ ra lan rộng toàn địa phương,” ông nói.

Thấu hiểu những khúc mắc từ phía cộng đồng người sản xuất, ông Lương Đình Lân, Quản lý Chương trình cấp cao, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cũng chỉ ra ngành nuôi trồng nghêu của Bến Tre mặc dù nỗ lực đạt Chứng chỉ MSC được từ 10 năm nay, nhưng đến giờ phút này, con nghêu của Bến Tre chỉ mới có thể duy trì đầu ra ổn định mà chưa tạo ra được sự khác biệt lớn trên thị trường thu mua, thậm chí cả về giá bán.

Ông Lân lo lắng điều này có thể tạo ra các tác động ngược trở lại và người dân sẽ tự hỏi có cần cố gắng đạt Chứng chỉ EFC hay không, bởi nếu bán nghêu phục vụ hoạt động xuất khẩu thì đây là điều kiện bắt buộc song khi bán tại thị trường nội địa thì lại khá dễ tính, thậm chí không cần chứng chỉ.

“Vậy với vị trí là doanh nghiệp liên trong kết chuỗi giá trị, Công ty Lenger tại Việt Nam sẽ có kế hoạch với những con nghêu đạt Chứng chỉ MSC để tạo nên sự khác biết rõ ràng trên thị trường,” ông Lân chia sẻ điều này với doanh nghiệp.

Bài 5: Mục tiêu phát triển bền vững: ‘Đường xa cần có ngựa khoẻ’ ảnh 3Các xã viên Hợp tác xã Thuỷ sản Thạnh Lợi, Bến Tre thu hoạch nghêu. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị

Để xác định vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2010/NĐ-CP về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm cụ thể hóa chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp khi có dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Một điều rất dễ thấy trong các chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững thường nổi lên bóng dáng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay doanh nghiệp mới khởi nghiệp muốn trở thành các chủ thể chính dẫn dắt chuỗi liên kết không phải là điều dễ dàng.

Với vai trò là Quản lý Dự án Hỗ trợ Doanh nghiệp vì Mục đích Phát triển tại Việt Nam (EFD) của Oxfam tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho hay: “Chúng tôi nhận thấy vai trò to lớn và năng động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa liên kết cùng người thu nhập thấp tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã nắm được các cơ hội rất lớn trong việc đi sâu khai thác, tạo giá trị gia tăng và nâng tầm các chuỗi giá trị khác nhau tại các vùng miền đồng thời kéo theo sự phát triển kinh tại địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của các nhóm yếu thế tham gia trong các chuỗi giá trị.”

Tuy nhiên, EFD cũng cho rằng những điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về năng lực quản trị kinh doanh đã làm hạn chế năng lực tiếp cận thị trường, do đó không mang lại giá trị lợi nhuận cao cho chuỗi sản xuất. Vì vậy, EFD quyết định chọn hướng đi hỗ trợ cộng đồng thông qua chiến lược tăng cường năng lực quản trị các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các liên kết chuỗi.

“Việc tăng cường năng lực quản trị và phát triển kinh doanh của đội ngũ lãnh đạo, quản lý sẽ xây dựng nền móng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, rộng hơn là chuỗi giá trị của doanh nghiệp và từ đó kéo theo lợi ích bền vững của những người thu nhập thấp tham gia hoặc liên kết với chuỗi giá trị đó,” bà Hà nói.

Bài 5: Mục tiêu phát triển bền vững: ‘Đường xa cần có ngựa khoẻ’ ảnh 4Anh Hà Văn Cường, Giám đốc Công ty Nông sản Bắc Kạn kiểm tra đồi nghệ tại xã Đôn Phong . (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Đánh giá cao về điều này, anh Hà Văn Cường, Giám đốc Công ty Nông sản Bắc Kạn chia sẻ: “Ban đầu, tôi khá mù mờ về nông nghiệp. Song khi tham gia vào Dự án Hỗ trợ Doanh nghiệp vì Mục đích Phát triển tại Việt Nam của Oxfam, tôi đã có sự thay đổi lớn trong tư duy về nông nghiệp và quá trình làm việc với bà con cũng đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, kết nối chúng tôi kết nối được nhiều mối quan hệ và tìm kiếm được các bạn hàng mới.”

Theo ông Cường, nâng cao được năng lực quản trị kinh doanh tốt, Công ty Nông sản Bắc Kạn đã xây dựng được một kế hoạch phát triển lâu dài và chính xác, đúng với tinh thần hợp tác phù hợp người nông dân.

Những khó khăn của những người nông dân như anh Đại là một bài toán không chỉ đặt ra với Công ty DACE, mà phòng Nông nghiệp huyện Hà Quảng cũng nhìn thấy phần việc của mình.

Về phía địa phương, Lưu Trọng Hính, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hà Quảng cho biết luôn sẵn sàng phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ nông dân trong sản xuất chuỗi. Trước những vấn đề đặt ra với một số hộ trồng gừng chưa nắm được các kỹ thuật chăm sóc, Phòng Nông nghiệp huyện sẽ cử cán bộ tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đồng thời thực hiện các mô hình trình diễn khẳng định hiệu quả của một số cây trồng.

“Phòng Nông nghiệp huyện sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới và nâng cao chất lượng cây trồng vật nuôi mũi nhọn năm 2020, riêng với cây gừng sẽ phấn đấu đạt 100ha,” ông Hính cho biết..

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sau khi đánh giá thực tiễn của ngành nông nghiệp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với các chỉ tiêu cụ thể, để phát huy được kết quả đi vào chiều sâu, thực chất, gắn với các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ngành nông nghiệp cần khuyến khích thành lập, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần làm tốt công tác chứng nhận sản phẩm, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp về việc sử dụng hóa chất, chất kháng sinh, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp./.

Lưu Trọng Hính, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hà Quảng trao đổi với phóng viên:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục