Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nông dân trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn sẽ bị mất khoảng trên 30% sản lượng lúa mùa. Nhiều địa phương như Thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc… có nhiều diện tích lúa bị thất thu hoàn toàn do người nông dân không tuân theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng.
Dù sắp đến vụ gặt, nhưng mấy ngày nay ông Hoàng Văn Sỷ, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng chẳng buồn tháo nước ra khỏi ruộng. Hơn 5 sào lúa mùa của gia đình ông năm nay cây nào cũng lép nên cứ thẳng đứng, nom xa chẳng khác nào cỏ dại. Ông Sỷ buồn rầu: đếm trăm bông chẳng có lấy một hạt chắc, đám này chỉ cho trâu, bò ăn thì tốt chứ thu làm gì.
Qua phản ánh của người dân, Phòng NN&PTNT, huyện Chi Lăng đã thành lập đoàn kiểm tra và bước đầu xác định 3 xã Vân Thủy, Vân An và Chiến Thắng có diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng nhiều nhất, có nơi thiệt hại tới 90%.
Riêng xã Vân Thủy, Chi Lăng gieo cấy trên 142ha lúa mùa, qua rà soát, kiểm tra thì hầu hết các diện tích đều bị tình trạng lép hạt, số diện tích có thể thu hoạch chưa đến 10% nhưng sản lượng cũng chỉ bằng 1/2 các vụ trước.
Tương tự như vậy, ngay tại Thành phố Lạng Sơn, nông dân các xã Hoàng Đồng, Quảng Lạc, Mai Pha… cũng đều đối mặt với tình trạng gần như toàn bộ diện tích lúa mùa đều bị lép, bông lúa chọc thẳng lên trời, thỉnh thoảng mới có một vài bông lác đác hạt mẩy.
Anh Lộc Văn Thái, xã Mai Pha cho biết vụ mùa năm nay, gia đình tôi cấy được 8 sào, lúa trổ bông nhưng không vào đòng được nên bị lép toàn bộ diện tích. Theo Hội Nông dân xã thì vụ mùa năm nay, toàn xã gieo cấy được trên 120 ha, đến thời điểm này, có thể khẳng định, khoảng 90% diện tích lúa mùa của toàn xã sẽ bị mất mùa, đây là năm lúa bị mất mùa với diện tích lớn nhất từ trước tới nay.
Theo ông Nông Văn Tăng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, đến thời điểm này, sở vẫn chưa thống kê chính xác được diện tích lúa bị lép trên địa bàn tỉnh nhưng theo đánh giá chung thì toàn bộ diện tích lúa mùa của tỉnh Lạng Sơn sẽ bị thất thu không dưới 30%.
Ông Tăng cũng khẳng định, đây là một bài học đắt giá cho nông dân ở một số địa phương bị mất mùa bởi, trước tình hình thời tiết bất thường, đặc biệt là đợt rét đầu năm nên làm chậm thời vụ tới trên mười ngày.
Bước vào vụ mùa năm nay, sở đã tổ chức hội nghị đầu mùa, hướng dẫn và khuyến cáo nông dân trong toàn tỉnh chỉ nên sử dụng các loại lúa lai ngắn ngày (dưới 110 ngày), tuyệt đối không sử dụng các loại lúa dài ngày như bao thai thuần (trên, dưới 150 ngày).
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương người dân vẫn “phớt lờ” khuyến cáo của ngành nông nghiệp để gieo trồng giống lúa dài ngày bởi một thói quen cố hữu vì đây là giống lúa mà họ thường trồng từ nhiều năm nay, theo bà con là ăn ngon và bán được giá, đặc biệt là loại giống này bà con tự để giống được không phải đi mua.
Trong khi các địa phương khác đang lao đao vì thất thu, thì các huyện Bắc Sơn, Tràng Định đã thu hoạch xong từ tháng trước với trên 80% diện tích lúa mùa sớm cho năng suất cao từ 7 đến 8 tấn/ha bởi nông dân ở hai huyện này đều dùng loại giống ngắn ngày đúng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp./.
Dù sắp đến vụ gặt, nhưng mấy ngày nay ông Hoàng Văn Sỷ, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng chẳng buồn tháo nước ra khỏi ruộng. Hơn 5 sào lúa mùa của gia đình ông năm nay cây nào cũng lép nên cứ thẳng đứng, nom xa chẳng khác nào cỏ dại. Ông Sỷ buồn rầu: đếm trăm bông chẳng có lấy một hạt chắc, đám này chỉ cho trâu, bò ăn thì tốt chứ thu làm gì.
Qua phản ánh của người dân, Phòng NN&PTNT, huyện Chi Lăng đã thành lập đoàn kiểm tra và bước đầu xác định 3 xã Vân Thủy, Vân An và Chiến Thắng có diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng nhiều nhất, có nơi thiệt hại tới 90%.
Riêng xã Vân Thủy, Chi Lăng gieo cấy trên 142ha lúa mùa, qua rà soát, kiểm tra thì hầu hết các diện tích đều bị tình trạng lép hạt, số diện tích có thể thu hoạch chưa đến 10% nhưng sản lượng cũng chỉ bằng 1/2 các vụ trước.
Tương tự như vậy, ngay tại Thành phố Lạng Sơn, nông dân các xã Hoàng Đồng, Quảng Lạc, Mai Pha… cũng đều đối mặt với tình trạng gần như toàn bộ diện tích lúa mùa đều bị lép, bông lúa chọc thẳng lên trời, thỉnh thoảng mới có một vài bông lác đác hạt mẩy.
Anh Lộc Văn Thái, xã Mai Pha cho biết vụ mùa năm nay, gia đình tôi cấy được 8 sào, lúa trổ bông nhưng không vào đòng được nên bị lép toàn bộ diện tích. Theo Hội Nông dân xã thì vụ mùa năm nay, toàn xã gieo cấy được trên 120 ha, đến thời điểm này, có thể khẳng định, khoảng 90% diện tích lúa mùa của toàn xã sẽ bị mất mùa, đây là năm lúa bị mất mùa với diện tích lớn nhất từ trước tới nay.
Theo ông Nông Văn Tăng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, đến thời điểm này, sở vẫn chưa thống kê chính xác được diện tích lúa bị lép trên địa bàn tỉnh nhưng theo đánh giá chung thì toàn bộ diện tích lúa mùa của tỉnh Lạng Sơn sẽ bị thất thu không dưới 30%.
Ông Tăng cũng khẳng định, đây là một bài học đắt giá cho nông dân ở một số địa phương bị mất mùa bởi, trước tình hình thời tiết bất thường, đặc biệt là đợt rét đầu năm nên làm chậm thời vụ tới trên mười ngày.
Bước vào vụ mùa năm nay, sở đã tổ chức hội nghị đầu mùa, hướng dẫn và khuyến cáo nông dân trong toàn tỉnh chỉ nên sử dụng các loại lúa lai ngắn ngày (dưới 110 ngày), tuyệt đối không sử dụng các loại lúa dài ngày như bao thai thuần (trên, dưới 150 ngày).
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương người dân vẫn “phớt lờ” khuyến cáo của ngành nông nghiệp để gieo trồng giống lúa dài ngày bởi một thói quen cố hữu vì đây là giống lúa mà họ thường trồng từ nhiều năm nay, theo bà con là ăn ngon và bán được giá, đặc biệt là loại giống này bà con tự để giống được không phải đi mua.
Trong khi các địa phương khác đang lao đao vì thất thu, thì các huyện Bắc Sơn, Tràng Định đã thu hoạch xong từ tháng trước với trên 80% diện tích lúa mùa sớm cho năng suất cao từ 7 đến 8 tấn/ha bởi nông dân ở hai huyện này đều dùng loại giống ngắn ngày đúng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp./.
Thái Thuần (TTXVN/Vietnam+)