Bài học về việc hội nhập thị trường bảo hiểm Lào

Vừa mới bước chân vào thị trường bảo hiểm Lào, Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào-Việt (LVI) đã nhanh chóng tạo dựng được thương hiệu.
Vừa “chập chững” bước chân vào thị trường bảo hiểm Lào, Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào-Việt (LVI) đã nhanh chóng tạo dựng được một thương hiệu mà nhiều công ty Việt Nam làm ăn lâu năm tại Lào phải “thèm muốn.”

Bí quyết nào đã giúp công ty non trẻ này trở thành một trong những nhà bảo hiểm có uy tín tại “Đất nước Triệu Voi” nhanh như vậy?

Sốc

Tâm sự với phóng viên TTXVN tại Lào, anh Vũ Minh Hải, Tổng Giám đốc LVI cho biết để có thành công hôm nay, không phải ai cũng biết rằng, khi mới bước chân vào thị trường Lào hai năm trước, LVI, Liên doanh giữa Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL), Ngân hàng Liên doanh Lào-Việt (LVB) và Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) đã có những lúc phải đứng trước lựa chọn mang tính “tồn tại hay không tồn tại.”

Lúc kéo quân sang, nghĩ rằng ngành bảo hiểm của xứ “Triệu Voi” phải kém hơn Việt Nam, Công ty dự định áp dụng nguyên mô hình hoạt động cũng như các phần mềm của ngành ở Việt Nam tại Lào.

Khi nghiên cứu thị trường để đi vào hoạt động, anh em mới phát hiện ra rằng Lào đang áp dụng mô hình bảo hiểm của các nước tiên tiến và đang tiến bộ hơn Việt Nam khoảng trên 10 năm trong lĩnh vực này.

Đứng trước lựa chọn nếu áp dụng mô hình bảo hiểm ở Việt Nam thì khó có thể cạnh tranh được với những công ty bảo hiểm khác đang hoạt động tại Lào, nếu áp dụng mô hình bảo hiểm của Lào thì phải tạo ra các chính sách mới khác với những gì đang được áp dụng tại thị trường Việt Nam và chấp nhận lao vào một sân chơi mà mình còn nhiều bỡ ngỡ, Công ty đã chọn phương án hai.

Dám học, dám làm: Bí quyết của thành công

Sau một thời gian nghiên cứu văn hóa kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm của Lào, Công ty nhận thấy ngoài những thủ tục để đại lý có thể hoạt động được như tại Việt Nam, đại lý tại Lào bảo hiểm tại Lào còn phải tiến hành các thủ tục như đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, đăng ký lắp biển, làm con dấu…

Chính các thủ tục này đã khiến các đại lý hoạt động tại thị trường bảo hiểm của Lào có được những ưu điểm hơn so với đại lý tại Việt Nam như tính pháp lý cao nên tạo được sự tin tưởng của khách hàng, giúp đại lý gắn bó với công ty bảo hiểm; đại lý có thể chủ động tiến hành các thủ tục nộp thuế thu nhập.

Sau khi nắm được những ưu điểm trong lĩnh vực bảo hiểm Lào, với sức mạnh tài chính, kết hợp với kỹ năng và kinh nghiệm bảo hiểm của BIC, LVI đã tiến hành tập trung hỗ trợ các đại lý hoàn thiện các thủ tục pháp lý; phát triển một mạng lưới đại lý rộng khắp trên lãnh thổ Lào; thủ tục giải quyết bồi thường nhanh chóng, đơn giản…

Kết quả là từ tháng 04/2009, doanh thu của Công ty đã tăng trưởng liên tục với mức tăng trung bình hàng tháng trên 20%. Năm 2010, hệ thống đại lý bắt đầu phát triển thể hiện qua doanh thu khai thác phí bảo hiểm gốc 6 tháng đầu năm 2010 đã có tăng trưởng 438% so với cùng kỳ năm ngoái và tạo đà để LVI có thể hoàn thành kế hoạch cả năm 2010 tăng trưởng 200% so với năm 2009.

Hiện LVI đang cung cấp trên 30 loại hình bảo hiểm như bảo hiểm mọi rủi ro tài sản, bảo hiểm mọi rủi ro trong xây dựng và lắp đặt, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người, bảo hiểm tiền, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vận chuyển hàng hóa… Trong đó có những dự án bảo hiểm cho các dự án lớn như Dự án xây dựng đường 2E; Dự án xây dựng cầu Hữu Nghị IV; Làng vận động viên SEA Games; Tòa nhà và thiết bị của Khách sạn Lạn Xạng …

Sau kinh nghiệm về sự thành công này, Công ty đã rút ra bài học rằng: “Nếu thông lệ tại thị trường mới có ưu điểm hơn thông lệ thị trường cũ và phù hợp với các thị trường phát triển trên thế giới thì cần lập tức cải tiến ngay theo thông lệ của thị trường mới”.

Vì sao người Lào thích bảo hiểm

Trả lời câu hỏi vì sao người Lào có thói quen sử dụng các dịch vụ bảo hiểm hơn người Việt, anh Hải cho biết ngoài những ưu điểm đã đề cập ở trên, bảo hiểm Lào rất khác bảo hiểm Việt Nam ở thủ tục bảo hiểm, chẳng hạn trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới.

Tùy quy định của mỗi công ty, nhưng thông thường tại Việt Nam, các tai nạn về xe cơ giới có thiệt hại trên 5 triệu đồng thì người được bảo hiểm phải có trách nhiệm lấy biên bản của cơ quan cảnh sát giao thông hoặc xác nhận của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn. Điều này đôi lúc đã làm khó cho người được bảo hiểm.

Tại thị trường bảo hiểm Lào, thủ tục này là không cần thiết. Khi tai nạn xảy ra, người được bảo hiểm gọi điện thoại ngay cho công ty bảo hiểm thông báo diễn biến tai nạn để nhận được hướng dẫn cần thiết và cung cấp địa chỉ để giám định viên (những người có trách nhiệm trực 24/24 giờ tại công ty) đến hiện trường.

Ngay khi nhận được điện thoại, giám định viên có trách nhiệm có mặt tại hiện trường trong thời gian sớm nhất nhằm đánh giá nguyên nhân, diễn biến tai nạn và mức độ lỗi để tư vấn cho các bên xác định trách nhiệm của mình trong tai nạn.

Do vậy, ngoài Biên bản giám định hiện trường như tại Việt Nam, tại Lào còn có thêm Biên bản giải quyết tai nạn để các bên có thể thỏa thuận về phương án giải quyết tai nạn. Chỉ những trường hợp các bên không thống nhất được phương án giải quyết hoặc có người chết mới cần thông báo cho cơ quan cảnh sát giao thông đến để giải quyết.

Theo anh Hải, việc giám định viên là người đầu tiên có mặt tại hiện trường và giải quyết tai nạn có những ưu điểm như động viên và hỗ trợ người được bảo hiểm giải quyết tổn thất ngay khi tai nạn xảy ra; tư vấn để các bên tự hòa giải trên cơ sở Luật giao thông, Luật dân sự và Đơn bảo hiểm đã cấp; giúp đơn giản về mặt thủ tục nhận bồi thường khi giải quyết tai nạn.

Đây không chỉ là yếu tố cốt lõi khiến khách hàng tin tưởng và tự nguyện đến với các công ty bảo hiểm, mà còn giúp giảm thiểu những tranh cãi không cần thiết giữa các chủ thể liên quan đến tai nạn. Nó cũng giải thích vì sao các vụ tai nạn tại Lào không có cảnh tranh cãi, thậm chí đánh nhau ầm ĩ giữa các cá nhân có dính dáng đến vụ tai nạn như ở Việt Nam./.

Phạm Kiên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục