Bằng chứng tình báo Pakistan che giấu bin Laden?

Chiếc điện thoại mà liên lạc viên của bin Laden sử dụng chứa cả số liên lạc của nhóm vũ trang có liên hệ với tình báo Pakistan.

Tờ New York Times ngày 23/6 dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết chiếc điện thoại di động mà liên lạc viên tin cẩn của Osama bin Laden sử dụng, được phát hiện trong cuộc tập kích của lính Mỹ ở Pakistan tháng trước, có chứa nhiều số liên lạc của một nhóm vũ trang thuộc quyền cai quản của cơ quan tình báo Pakistan.

Phát hiện này cho thấy Bin Laden đã sử dụng nhóm vũ trang Harakat-ul-Mujahedeen như một phần trong mạng lưới giúp ông ta ẩn nấp ở Pakistan, đồng thời đặt ra câu hỏi về khả năng cơ quan tình báo trung ướng Pakistan có vai trò trong việc hỗ trợ Bin Laden lẩn trốn. Bởi lẽ cơ quan này đã đỡ đầu cho Harakat và cho phép nó hoạt động ở Pakistan ít nhất 20 năm nay.

Lần theo dấu vết những cuộc gọi trong điện thoại, các chuyên gia Hoa Kỳ xác nhận rằng những chỉ huy của Harakat đã gọi cho các quan chức tình báo của Pakistan và họ cũng đã gặp nhau.

Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ cũng thận trọng khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy cơ quan tình báo Pakistan đã bảo vệ Bin Laden.

Song những bằng chứng trong chiếc điện thoại di động sẽ góp phần quan trọng trả lời câu hỏi nhức nhối đối với Washington: Tại sao Bin Laden có thể sống khá thoải mái trong nhiều năm trời tại Abbottabad, một thị trấn quân sự của Pakistan và chỉ cách thủ đô Islamabad ba giờ lái xe?

“Đây là một đầu mối rất quan trọng,” quan chức Mỹ giấu tên nói với NYT. “Cả một biển thông tin mà chúng tôi đang điều tra”.

Những gì thu được từ chiếc điện thoại cũng sẽ giúp hình thành nên các mảnh ghép rõ ràng hơn về bức tranh cuộc hành trình bí mật của Bin Laden lẩn trốn các lực lượng Mỹ từ vùng Tora Bora thuộc Afghanistan gần 10 năm trước và trả lời cho câu hỏi tại sao Bin Laden và những cận vệ lại chọn Abbottabad làm căn cứ địa, nơi ông đã bị bắn chết trong một cuộc độc kích của lính biệt kích hải quân Mỹ ngày 2/5.

Harakat có cơ sở rộng khắp ở khu vực xung quanh Abbottabad, và mạng lưới của họ có thể đã rất có ích cho Bin Laden khi ông sống và hoạt động tại Pakistan, theo lời các nhà phân tích.

Những lãnh đạo của nhóm này có quan hệ mật thiết với cả Al Qaeda và cơ quan tình báo Pakistan. Họ cũng có thể đi lại tự do vì đều là người Pakistan, điều mà một số thành viên cấp cao của Al Qaeda không thể làm được vì là người nước ngoài. Ngay lúc này, lãnh đạo nhóm, Maulana Fazlur Rehman Khalil, một cộng sự thân cận của Bin Laden tại Pakistan, vẫn sống hoàn toàn tự do thoải mái ở ngoại ô Islamabad.

Các quan chức Mỹ không nêu đích danh những chỉ huy Harakat có số trong điện thoại của người đưa tin nhưng khẳng định những người này hiện đang sống ở tỉnh Nam Waziristan, căn cứ địa của Al Qaeda ở Pakistan trong nhiều năm qua. Mạng lưới của Harakat có thể đã giúp Bin Laden truyền đi các chỉ đạo của ông cho những thành viên Al Qaeda trong vùng, chuyển tin tức, tiền bạc hoặc thậm chí quy hoạch nhân sự cho tổ chức này.

Một công cụ sức mạnh

Harakat là một trong nhiều nhóm quân sự được thành lập vào những năm 1980 và đầu 1990 với sự chấp thuận và hỗ trợ của cơ quan tình báo trung ương Pakistan, ISI, để chiến đấu hỗ trợ phe nổi dậy Afghanistan trong cuộc chiến chống Liên Xô (tức chính là Taliban và Al Qaeda), hoặc với Ấn Độ ở vùng tranh chấp Kashmir.

Có thể đổi tên và chia tách, hợp nhất nhiều lần, nhưng nhóm hiện nay được biết đến dưới tên Harakat từ lâu đã là một công cụ sức mạnh ưa thích của ISI. Harakat là “một trong những đồng minh lâu đời và thân cận nhất của Al Qaeda và họ rất, rất gần gũi với ISI,” NYT dẫn lời Bruce O. Riedel, cựu nhân viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và tác giả cuốn sách Deadly Embrace: Pakistan, America, and the Future of the Global Jihad (Đồng minh chết chóc: Pakistan, Mỹ và tương lai của cuộc thánh chiến toàn cầu). “Câu hỏi về vai trò của ISI và quân đội Pakistan trong vụ Bin Laden giờ phủ một đám mây đen lên toàn bộ mối quan hệ giữa Pakistan và Mỹ.”

Những người nghi ngờ còn cho rằng ISI, hoặc một phần của tổ chức này, đã tìm cách che giấu cho Bin Laden để thủ lợi riêng, hoặc thậm chí, để đảm bảo nguồn viện trợ hàng tỉ USD từ quân đội Mỹ cho Pakistan chừng nào người đứng đầu Al Qaeda vẫn còn sống.

Cả Chủ tịch Ủy ban tình báo hạ viện, nghị sĩ Cộng hòa của bang Michigan, Mike Rogers và người đứng đầu phe Dân chủ trong ủy ban này, Dutch Ruppersberger của bang Maryland, tháng này đều khẳng định họ tin rằng một số thành viên của ISI hoặc quân đội Pakistan, hoặc đã về hưu hoặc còn đang tại chức, có liên quan đến việc che giấu Bin Laden.

Bản thân Bin Laden có một lịch sử dài với ISI, bắt đầu từ phong trào nổi dậy mujahedeen chống Liên Xô ở Afghanistan những năm 1980 mà cả Mỹ và Pakistan đều hậu thuẫn. Hai cựu chỉ huy quân đội và một quan chức cấp cao khác từng nhận hỗ trợ từ ISI trong nhiều năm, tất cả đều giấu tên, nói với NYT họ tin rằng ISI có vai trò trong việc che giấu Bin Laden.

Những cuộc gặp ở vùng chiến sự

Mùa xuân năm 2003, Bin Laden và một đoàn tháp tùng bao gồm khoảng tám chín mươi binh sĩ người A-rập và Chechnya đã gặp nhau tại một ngôi làng trên rặng núi Shawal ở tỉnh Bắc Waziristan, Pakistan, theo nguồn tin của NYT. Nguồn tin nói trên, cũng có mặt trong cuộc gặp, khẳng định rằng đó là Bin Laden vì họ đã từng gặp nhau tại Afghanistan, trước cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Cuộc gặp ở Bắc Waziristan diễn ra ngay trước chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ bắt đầu từ năm 2004. Chiến dịch này khiến các tay súng Taliban và Al Qaeda sẽ không thể trú ẩn an toàn trong vùng nữa. Trước khi máy bay Mỹ được phép không kích Pakistan, Bin Laden đã ẩn trốn ở vùng núi này, nhưng sau khi các cuộc không kích bắt đầu, có thể ông đã chuyển về Abbottabad.

Art Keller, một cựu nhân viên CIA làm việc tại Pakistan hồi năm 2006, nói ông đã nghe các tin đồn sau khi rời Pakistan năm 2007 rằng Harakat đã cung cấp “hỗ trợ” hậu cần và phương tiện đi lại cho nhà lãnh đạo Al Qaeda ở Pakistan. Tuy nhiên, cho tới giờ vẫn chưa rõ Bin Laden đã tới Abbottabad bằng cách nào.

Các quan chức Mỹ xác định Bin Laden và gia đình đã sống ở thành phố này trong ít nhất năm năm, bắt đầu từ năm 2006. Abbottabad cũng là nơi có những học viện quân sự hàng đầu của Pakistan và những trường thiếu sinh quân chỉ các nhà Bin Laden không đầy hai cây số. Thành phố còn là một điểm trung chuyển của quân đội giữa Kashmir và các vùng tự trị bộ lạc ở miền bắc Pakistan.

Đã từ lâu đây là khu vực tuyển quân và huấn luyện truyền thống của Harakat, với các trại huấn luyện và cơ sở đào tạo hiện vẫn còn ở Mansehra, cách Abbottabad không đầy 30 cây số. Trong những năm cuối thập niên 1990, Harakat đã phối hợp chặt chẽ với Taliban và Al Qaeda, cùng chia sẻ những cơ sở huấn luyện và cung cấp các tay súng đánh thuê cho lực lượng nổi dậy tại Afghanistan.

Mối quan hệ mật thiết đến mức khi quân đội Mỹ bắn tên lửa hành trình vào những doanh trại của Bin Laden ở Afghanistan sau các vụ đánh bom những đại sứ quán Mỹ tại Tanzania và Kenya hồi năm 1998, 11 chiến binh của Harakat đã thiệt mạng. Một số binh sĩ khác của Harakat cũng đã bị tiêu diệt trong các đợt đánh bom quân Taliban tại Afghanistan khi Mỹ và liên quân tấn công nước này tháng 10/2001.

Dưới áp lực mạnh mẽ của Hoa Kỳ, Harakat và các nhóm tương tự đã bị cấm chính thức và chỉ còn hoạt động ngầm dưới thời chính quyền cựu tổng thống Pakistan Pervez Musharraf. Tuy nhiên, trên thực tế, tổ chức này được đặt tên lại và vẫn tiếp tục tuyển quân để hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy Afghanistan, giờ là trong cuộc chiến với Mỹ và NATO.

Quân đội Pakistan cũng duy trì các mối liên hệ với những người lãnh đạo Harakat, đáng kể nhất là hai nhân vật được gọi dưới bí danh Khalil và Akhtar. Khalil được cho là có vai trò hỗ trợ Bin Laden ở Abbottabad, còn Akhtar hiện vẫn đang bị truy nã do tình nghi có liên quand dến vụ ám sát cựu thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto năm 2007.

Một báo cáo của Bộ nội vụ Pakistan cũng cho biết Akhtar đã gặp Bin Laden vào tháng 8-2009 ở vùng gần biên giới Afghanistan để thảo luận về các chiến dịch jihad tại Pakistan, theo bào Pakistan The Daily Times ra năm 2010.

Đó là tài liệu duy nhất có cơ sở về việc cơ quan tình báo Pakistan biết rằng Bin Laden đang sống và hoạt động trên lãnh thổ quốc gia họ, cho tới cuộc tập kích của Mỹ vừa rồi./.

Hải Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục