Ngày 11/7, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước đã tiến hành phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân bị sỏi thận bàng quang, lấy ra bảy viên sỏi thận lớn với tổng trọng lượng khoảng 0,5kg.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Trịnh, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân Trần Văn Mai (45 tuổi, ngụ thôn 6, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) cho biết bệnh nhân Mai nhập viện vào ngày 24/6, với các biểu hiện đau vùng hạ vị dưới rốn, cộng với vết loét chảy mủ kéo dài ở vùng mông bên trái.
Sau khi chụp phim và siêu âm, bệnh viện phát hiện ra bệnh nhân Mai có những viên sỏi lớn ở bàng quang. Tuy nhiên, do vết nhiễm trùng ở mông bị chảy mủ nên các bác sỹ quyết định xử lý vết mông trước.
Đến ngày 11/7, sau khi bệnh nhân tạm ổn định, các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật lấy các khối sỏi ra ngoài.
[Lấy thành công hơn 100 viên sỏi từ thận của nam bệnh nhân]
Cũng theo bác sỹ Trịnh, sau hơn một giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công.
Khi lấy viên sỏi ra ngoài, không chỉ bệnh nhân và các ê kíp mổ ngạc nhiên mà cả các bệnh nhân và người thăm nuôi xung quanh khoa đều hết sức bất ngờ và tò mò khi phát hiện trong người bệnh nhân Mai có tới bảy viên sỏi rất lớn, mỗi viên có hình kim tự tháp, kích thước gần bằng đáy của một chai nước suối.
Tổng trọng lượng của bảy viên sỏi có thể lên tới khoảng 0,5kg. “Viên sỏi mà có kích thước lớn như thế này thì tôi có gặp nhiều. Nhưng cùng một lúc có nhiều viên sỏi to như thế này trong một cơ thể một người thì thật sự bây giờ tôi mới gặp,” bác sỹ Trịnh cho biết.
Điều đáng nói là trước khi được các bác sỹ phẫu thuật lấy bảy viên sỏi khổng lồ ra ngoài, bệnh nhân Mai không hề hay biết trong bụng mình có những viên sỏi lớn.
Theo trình bày của bệnh nhân, ông bị tai nạn lao động, tổn thương tủy sống, liệt nửa người từ ngang lưng trở xuống hơn 15 năm nay.
Bệnh nhân đã điều trị tại một số bệnh viện nhưng không khỏi đành phải chấp nhận nằm ở nhà. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tiểu tiện quá đau buốt, nên gia đình mới chuyển lên bệnh viện đa khoa Bình Phước cấp cứu.
Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Trịnh, nguyên nhân hình thành sỏi là do sự liên thông của dòng nước tiểu của bệnh nhân không được tốt do bị nằm lâu ngày không được vận động nên nước tiểu bị ứ đọng. Còn việc các viên sỏi có hình thù kim tự tháp là do trong quá trình nằm, bệnh nhân thường nghiêng qua nghiên lại nên lần lượt hình thành các viên sỏi có hình dạng trên.
Việc một bệnh nhân có tới bảy viên sỏi “khổng lồ” như của ông Mai là một việc có thể nói xưa nay hiếm đối với sức chịu đựng của một con người. Đây cũng là trường hợp xảy ra đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Phước nên gây ra không ít sự chú ý tò mò cho không chỉ các bác sỹ, bệnh nhân trong bệnh viện mà nhiều người dân địa phương cũng thích thú đến xem, chụp hình.
Hiện bệnh nhân Mai đã qua cơn nguy hiểm và dần hồi phục. Tuy nhiên, do sức khỏe đang khá yếu nên bệnh nhân vẫn đang được các bác sỹ chăm sóc, điều trị./.