Báo Ấn Độ: Ông Donald Trump sẵn sàng cứng rắn với Trung Quốc

Theo tờ Hindustan Time, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẵn sàng nói thẳng và có một đường lối cứng rắn, ít đoán định trước được khi đối đầu với Trung Quốc.
Báo Ấn Độ: Ông Donald Trump sẵn sàng cứng rắn với Trung Quốc ảnh 1Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (Nguồn: Huffington Post)

"Xoay trục sang châu Á" chính là điểm nhấn quan trọng trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama. Thế nên, câu hỏi được nhiều người quan tâm là liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có tiếp tục chính sách này khi lên nắm quyền từ ngày 20/1 tới.

Theo bình luận của tờ Hindustan Times (Ấn Độ), có thể Trump vẫn sẽ hướng sang châu Á với đích nhắm hướng về phía Trung Quốc.

Theo tờ này, ít nhất có 4 điểm chủ đạo đã thấy rõ trong cách tiếp cận chính sách ngoại giao của ông Trump.

Một là chủ nghĩa dân tộc về kinh tế, coi tự do thương mại là trợ thủ cho một chính sách đối ngoại quốc tế hóa, góp phần gây nên sự suy giảm tương đối của Mỹ.

 

Hai là sự đổi mới toàn diện trong nước, gồm cả việc đảo ngược chính sách can thiệp thay đổi chế độ có từ thời diễn ra vụ lật đổ Thủ tướng Iran Mohammed Mossadegh năm 1953 do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đạo diễn.

Ba là một quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ bằng cách xóa bỏ những rào cản quan trọng, bao gồm sự cạnh tranh gian lận của các nhà sản xuất Trung Quốc.

Bốn là tiến hành một cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan trước khi chúng phát triển thành một phong trào thánh chiến toàn cầu. 

Chính sách đối ngoại Mỹ từ lâu đã gắn với hai cột trụ: liên minh với các nền quân chủ Arab tồn tại ngay cả khi các hoàng tộc tách biệt này tài trợ cho các nhóm phiến quân Hồi giáo và trường dạy đạo Hồi ở các nước khác, và thái độ cứng nhắc với Moskva cho dù Liên Xô đã sụp đổ​.
 
Nhưng ông Trump đã tỏ dấu hiệu cần thiết hiệu chỉnh lại chính sách đối ngoại của Mỹ bằng cách chuyển trọng tâm địa chính trị từ Nga sang phía Trung Quốc đang ngày một "diễu võ giương oai."

Chủ nghĩa dân tộc về kinh tế của ông Trump có liên quan nhiều tới Trung Quốc và Mexico, song lại không dính dáng mấy với Ấn Độ. Thực ra, trọng tâm địa chính trị của ông nhằm vào Trung Quốc và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan khá phù hợp với những ưu tiên chiến lược của Ấn Độ.

Thời ông Obama, mặc dù quan hệ hai bên nồng ấm, song đã lơ là những thách thức an ninh của Ấn Độ, qua thái độ quá mềm mỏng trước việc Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy chiến lược Pakistan bằng việc ủng hộ tài chính và chính trị. 

Hơn thế, các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á đã phải thức tỉnh khi ông Obama bất ngờ câm lặng trước việc Trung Quốc chiếm Bãi cạn Scarborough nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines năm 2012. Washington đã không có động thái phản ứng nào trước hành động đó, cho dù đã có hiệp ước bảo vệ lẫn nhau với Philippines. Điều này càng khuyến khích Trung Quốc điên cuồng xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Cuối năm 2013, khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng nhận diện hàng không trùm lên vùng lãnh thổ mà nước này đòi chủ quyền song không nắm quyền kiểm soát ở Biển Hoa Đông, ông Obama lại một lần nữa do dự rồi bỏ qua hành động này.

Và mới đây, phản ứng nhẹ nhàng của ông trước việc Trung Quốc dám thu giữ tàu lặn không người lái của Mỹ làm dấy lên thêm nghi ngờ về quyết tâm bảo vệ đồng minh của Mỹ. 

Dưới thời Obama, Trung Quốc - trong vòng chưa đầy 3 năm - đã xây dựng 7 đảo ở Biển Đông và quân sự hóa chúng bằng cách triển khai các hệ thống vũ khí hạng nặng nhằm tạo nên một hành lang quan trọng về mặt chiến lược, nơi một nửa lượng hàng thương mại hàng năm của thế giới được trung chuyển qua. Thực tế, Trung Quốc đã chứng tỏ cái chủ nghĩa đơn phương thách thức đó chẳng phải trả giá gì cả. 

Tuy nhiên, sự hưởng lợi đó của Trung Quốc đang chấm dứt, bởi ông Trump sẵn sàng nói thẳng và có một đường lối cứng rắn, ít đoán định trước được trong vấn đề này. Có thể thấy rõ điều này từ đề xuất của ông Trump, sau khi đã có một cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan, rằng chính sách “một Trung Quốc” không phải điều cấm kỵ đối với ông. 

Với việc bao cấp cho hàng xuất khẩu và cản trở hàng nhập khẩu, Trung Quốc từ lâu đã tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế chống lại các nền kinh tế lớn khác. Trong khi Ấn Độ không có động thái đáp trả nào, ngay cả khi thâm hụt thương mại hàng năm của nước này với Trung Quốc đã tăng gấp đôi lên tới 60 tỷ USD dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, ông Trump đã đe dọa sẽ áp đặt thuế trừng phạt cao đối với Trung Quốc vì cái mà ông gọi trong cuộc đua tranh cử là “hành vi trộm cắp lớn nhất trong lịch sử thế giới”. 

Chắc chắn, ông Trump sẽ phải đối mặt với sự phản đối việc hiệu chỉnh chính sách của Mỹ từ các nhân vật quyền lực cũ ở Washington, những người đã có nhiều năm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh bị ám ảnh bởi mối đe dọa Liên Xô trước đây và hiện coi Tổng thống Nga Vladimir Putin là phiên bản của tai ương.

Nhiệm vụ của ông Trump trở nên khó khăn hơn bởi giới truyền thông chủ đạo vẫn giữ sự thù địch với ông, bất chấp việc họ đã không tiên lượng được kết quả bầu cử mà phần lớn là do họ đã cùng nhau đặt cược vào một kết quả hoàn toàn khác. Tuy nhiên, một ông Trump quyết đoán chắc chắn sẽ tái định hướng chính sách của Mỹ theo những cách thức có thể coi là nghiêm túc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục