Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay với tư cách khách mời là Chủ tịch Năm APEC.
Theo đánh giá của nhiều chính trị gia, chuyên gia và báo chí Đức, Việt Nam đóng góp tiếng nói quan trọng trong các vấn đề tự do thương mại và chống biến đổi khí hậu.
Ngày 8/7, trong vai trò Chủ tịch APEC 2017, Việt Nam có những điểm tương đồng, cùng nước chủ nhà Đức gánh vác trách nhiệm thúc đẩy quan hệ kinh tế liên khu vực Á-Âu.
Thành tựu phát triển, sự lạc quan, tính năng động là những đánh giá khách quan của báo chí Đức đối với nền kinh tế 93 triệu dân và cũng là cầu nối các nền kinh tế thế giới với thị trường 625 triệu dân của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
[Chính giới Đức đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại Hội nghị G20]
Tờ Neues Deutschland (Nước Đức mới), một trong những tờ báo uy tín, có lượng độc giả lớn của Đức, đăng tải bài viết của Tiến sỹ Detlef Pries với nhan đề “Việt Nam là sự uy tín.”
Bài báo nhấn mạnh đến việc Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham gia hội nghị năm nay mặc dù Việt Nam không nằm trong G20. Tờ báo cho biết đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Hamburg trên cương vị nước Chủ tịch APEC 2017 và điều này đồng nghĩa với sự xác nhận của quốc tế đối với uy tín của Việt Nam.
Đánh giá về những thành tựu kinh tế Việt Nam trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới (từ năm 1986), tác giả bài báo nhìn nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam "có thể so sánh với bất cứ nền kinh tế nào."
Trong 10 năm qua, tăng trưởng của Việt Nam luôn đạt mức trung bình trên 6%; thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ 730 USD vào năm 2007 đến khoảng 2.445 USD vào năm 2016. Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đặt mục tiêu đưa con số này lên 3.200 USD vào năm 2020.
Tiến sĩ Detlef đánh giá cao những nỗ lực và mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam đưa ra trong kỳ họp chính phủ về tình hình phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2017, đồng thời bày tỏ ấn tượng với mục tiêu đạt tăng trưởng 6,7% trong năm 2017.
Ông cho rằng để đạt mục tiêu “đầy tham vọng” này, Việt Nam cần phải có “quan hệ kinh tế và thương mại quốc tế tốt, ” trong đó, phải chú trọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và các thỏa thuận thương mại tự do. Trong thực tế, thành tựu phát triển của hơn 30 năm Đổi mới là minh chứng rõ ràng của một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, tác giả Preis cũng đánh giá về những khó khăn, trở ngại đối với Việt Nam khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Ông nhận định các chuyến thăm Mỹ và Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5 là nhằm thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế “phát triển cùng có lợi.”
Bài báo cũng cho biết ngoài việc đến Đức tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thăm và làm việc tại Berlin để thúc đẩy đàm phán hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA), tăng cường hợp tác với Đức trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đào tạo nghề nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
“Việt Nam muốn tăng cường quan hệ với Đức” là nhan đề bài viết của Hãng thông tấn Đức (DPA), trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác Việt Nam-Đức.
Trong chuyến thăm chính thức làm việc tại Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã làm việc với các bang Hessen và Rheinland-Pfalz để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực “kinh tế, giáo dục và văn hóa.”
Bên cạnh đó, bài viết cho rằng Việt Nam thời gian qua đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Việt Nam cũng muốn tăng cường hơn nữa với Đức thúc đẩy nhanh chóng việc xây dựng nhà nước pháp quyền, tạo điều đề phát triển kinh tế-xã hội bền vững./.