Bảo đảm tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ làng nghề

Hội thảo “Làng nghề gỗ Việt Nam hướng tới sử dụng gỗ theo mục tiêu quản lý rừng bền vững” được tổ chức ngày 30/10, tại Hà Nội.
Ngày 30/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Forest Trends (Mỹ) tổ chức Hội thảo “Làng nghề gỗ Việt Nam hướng tới sử dụng gỗ theo mục tiêu quản lý rừng bền vững.”

Hội thảo này nhằm đánh giá về tính hình sử dụng nguyên liệu gỗ đảm bảo tính hợp pháp của gỗ trong bối cảnh thực thi các Chương trình Thực thi luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT) và Giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) tại Việt Nam.

Việt Nam hiện có khoảng trên 300 làng nghề chế biến gỗ, với khoảng gần 50% tập trung ở tại vùng đồng bằng sông Hồng. Hàng năm các làng nghề sử dụng khoảng 350.000 đến 400.000m3 gỗ, nhưng 80% lượng nguyên liệu là nhập khẩu.

Tuy nhiên, các hộ sản xuất trong các làng nghề mua nguyên liệu đầu vào thông qua trung gian và khi mua họ thường không quan tâm đến tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ. Đối với nguồn gỗ trong nước, các làng nghề cũng sử dụng lượng lớn gỗ từ rừng tự nhiên để cung cấp cho thị trường. Tại các làng nghề Đồng Kỵ, Vạn Điểm, La Xuyên sử dụng chủ yếu các loại gỗ quý hiếm như hương, trắc, mun, gụ... có nguồn gốc nhập khẩu; còn các làng nghề như Liên Hà, Hữu Bằng sử dụng chính là các loại gỗ rừng tự nhiên và rừng trồng như sồi, xoan đào, keo, bạch đàn...

Chính phủ Việt Nam đang đàm phán với EU về Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) trong khuôn khổ Chương trình Thực thi luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT).

Một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định là việc thiết lập Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (TLAS). Việt Nam đang tiến hành thiết kế Hệ thống TLAS nhằm đảm bảo tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ được sử dụng trong chuỗi cung.

Một sản phẩm gỗ được coi là hợp pháp nếu các công đoạn của quá trình sản xuất sản phẩm tuân thủ tất cả các quy định của Nhà nước có liên quan. Đây sẽ là vấn đề lớn của làng nghề gỗ hiện nay bởi vì vấn để môi trường, an toàn lao động và sử dụng lao động tại làng nghề đang thực sự có vấn đề. Do vậy, mặc dù các làng nghề không có hoặc có rất ít sản phẩm xuất khẩu sang EU nhưng việc thiết lập Hệ thống TLAS sẽ vẫn tác động trực tiếp đến làng nghề.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong các năm tới, việc Việt Nam thực hiện FLEGT và REDD+ nhằm đưa ra các chế tài quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào hợp pháp để sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sự pháp triển của các làng nghề gỗ trong tương lai./.

Bích Hồng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục