Ngày 22/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 79/NQ-CP về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Nghị quyết nêu rõ, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Triển khai ngay gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch
Để đáp ứng yêu cầu cấp bách, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số nội dung về mua sắm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 như sau: Về cơ chế, hình thức thực hiện mua sắm, việc triển khai ngay gói thầu để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cộng đồng dân cư và mua thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện để phòng, chống dịch COVID-19 là trường hợp cấp bách được chỉ định thầu theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị tiếp tục chủ động mua sắm phục vụ phòng, chống dịch theo phương châm bốn tại chỗ; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch.
Cần kháng chiến dài hơi và có chiến khu an toàn
Chiều 22/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã làm việc trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh Nam sông Hậu, gồm Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp tại đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các tỉnh Nam sông Hậu phải kiểm soát được người từ các nơi về địa phương đúng phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người.”
[Việt Nam ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục trong ngày, 6.194 ca]
Nơi nào, cơ sở nào không nắm được người từ địa phương khác về hoặc về mà không chủ động khai báo thì vừa phải xử lý nghiêm người không khai báo vừa rà soát trách nhiệm chính quyền cơ sở. Bên cạnh đó phải khoanh thật chặt, quản lý thật nghiêm trong các khu phong tỏa, cách ly.
Đề cập một số nội dung liên quan đến “tâm dịch” Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng so với các tỉnh Nam sông Hậu và các tỉnh phía Nam khác, việc dập dịch trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lâu hơn, cần phải có cuộc kháng chiến dài hơi và có chiến khu an toàn.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới thăm, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Khu phong tỏa tạm thời ở chung cư Ấn Quang, cơ sở thu dung điều trị F0 và Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Tố, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức tuần tra nghiêm ngặt đối với các khu có nguy cơ rất cao đồng thời phát huy vai trò Tổ COVID-19 cộng đồng.
Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Y tế cần thống nhất nguyên tắc việc tăng cường lực lượng chi viện phải sát với yêu cầu bên dưới, trên tinh thần tiết kiệm cả nhân lực, thiết bị, đúng người, đúng chỗ; siết chặt hơn nữa các khu phong tỏa, không chỉ với bên ngoài, mà giữa gia đình với gia đình.
Chính quyền địa phương huy động lực lượng vũ trang tham gia tuần tra, kiểm soát thật chặt đồng thời bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân, để thực sự là người cách ly với người, cách ly nhà với nhà, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố...
Thực hiện nghiêm túc tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 22/7, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc tiêm chủng vaccine COVID-19.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên đặc biệt là các tỉnh, thành phố có dịch diễn biến phức tạp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố quyết định các đối tượng tiêm chủng phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo việc rà soát các đối tượng tiêm theo đúng quy định và chỉ đạo thực hiện tiêm chủng tối đa số vaccine được cấp, bảo đảm an toàn, hiệu quả, tăng diện bao phủ tiêm chủng.
Ngày 22/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký Công văn hoả tốc số 5881/BYT-KCB gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn cần rà soát, củng cố lại các điều kiện về nhân lực, thuốc, thiết bị y tế, cơ sở vật chất để phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, không để lây nhiễm chéo tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng yêu cầu xây dựng kế hoạch và sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 khi có yêu cầu của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế.
Nhiều trang thiết bị y tế đã được chuyển đến Kho dã chiến phục vụ chống dịch
Thông tin từ Bộ Y tế chiều 22/7 cho biết, hơn 2.000 trang thiết bị gồm máy thở, máy lọc máu, máy tạo oxy và hơn 12 triệu khẩu trang các loại… đã được chuyển đến Kho dã chiến phục vụ chống dịch COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/7, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Kho dã chiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Kho sẽ tập kết khoảng 2.000 máy thở các loại và giao Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh quản lý, cấp phát cho các đơn vị, địa phương.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều chuyển một số vật tư, trang thiết bị điều trị cho các tỉnh, thành phía Nam trên cơ sở đề xuất, đề nghị của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế.
Liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã trao đổi với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định thành lập Bệnh viện Hồi sức tích cực COVID-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2) có công suất 1.000 giường, với cơ chế điều hành của bệnh viện Trung ương hạng đặc biệt.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy được chỉ định sang làm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức tích cực COVID-19.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã lên phương án đàm phán trực tiếp để mua test từ các nhà sản xuất nước ngoài và thúc đẩy sản xuất trong nước; đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính… đàm phán mua máy móc phục vụ điều trị và hồi sức cho bệnh nhân COVID-19.
Cùng đó, để đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm vật tư, thiết bị y tế, đặc biệt là oxy y tế, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh và các bệnh viện triển khai mọi giải pháp không để thiếu oxy, khí y tế cho điều trị COVID-19.
Hà Nội lên kế hoạch chuẩn bị cho những diễn biến xấu
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu toàn thành phố có kế hoạch chuẩn bị để chủ động trước những diễn biến xấu, không để bị động, bất ngờ. Trong đó, việc nâng mức nguy cơ trong tất cả kịch bản chống dịch, ở các cấp độ là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hà Nội thời gian tới.
Theo đó, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố thời gian tới tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm trước mắt. Đó là: Lấy tấn công để phòng thủ, truy vết, "bóc tách" bằng được các trường hợp dương tính ra khỏi cộng đồng, dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, không để lan rộng; sẵn sàng phương án, kịch bản tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cụ thể tới từng điểm tiêm, bảo đảm công khai minh bạch, đúng đối tượng tiêm, đúng nguyên tắc, đúng quy định, đặt công tác an toàn, hiệu quả tiêm chủng lên hàng đầu; nâng mức nguy cơ trong tất cả kịch bản chống dịch, các cấp độ và chuẩn bị xong kịch bản nào phải tổ chức diễn tập cơ chế vận hành ngay.
Các cấp, ngành tiếp tục kiểm soát chặt chẽ mọi tuyến đường vào thành phố; đồng thời duy trì nghiêm 22 chốt kiểm dịch hiện tại cùng các chốt do các địa phương thiết lập, bảo đảm đủ lực lượng trực 24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần, kiểm soát 100% người, phương tiện vào thành phố.
Để chủ động trước những diễn biến xấu của dịch COVID-19 trong thời gian tới, không để bị động, bất ngờ, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu nâng mức nguy cơ trong các kịch bản phòng, chống dịch từ thành phố xuống cơ sở; trong đó, ưu tiên tập trung chuẩn bị phương án điều trị khi số lượng dương tính tăng cao, nhất là điều trị bệnh nhân nặng.
Triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng
Sáng 22/7, nhiều điểm tiêm chủng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 5.
Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện quy định giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc tổ chức tiêm vaccine được triển khai một cách khoa học, không tập trung quá đông người nhằm mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo kế hoạch, đối tượng ưu tiên tiêm chủng trong đợt 5 được xác định là những người mắc các bệnh nền (bệnh thận mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường); người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế; người làm việc trong cơ sở y tế, ngành Y tế; người tham gia trực tiếp phòng, chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...). Thành phố cũng ưu tiên tiêm cho những người có nguy cơ cao, trong đó tập trung là người nghèo, sống chen chúc, tạm bợ./.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 22/7, Việt Nam ghi nhận 6.194 ca mắc COVID-19, gồm 30 ca nhập cảnh và 6.164 ca trong nước. Tính đến ngày 22/7, Việt Nam có 74.371 ca mắc COVID-19, trong đó có 13.421 bệnh nhân đã được điều trị khỏi. Tại các cơ sở y tế trong cả nước, số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 129 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 18 ca. Đã có 4.367.939 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm, trong đó có 324.955 người được tiêm 2 liều. |