Rạng sáng 15/10, cơn bão số 11 bắt đầu đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng. Lúc 7 giờ ngày 15/10, tại Đà Nẵng, gió giật mạnh làm nhiều nhà cửa bị tốc mái, hư hỏng nặng. Trên nhiều tuyến đường lớn như Quang Trung, Nguyễn Văn Linh, Yên Bái, Nguyễn Tất Thành... nhiều cây cổ thụ, cột điện bị đổ và mưa lớn làm ngập đường. Hiện người dân thành phố đã được lệnh tránh trú bão ở nơi an toàn, không nên ra đường. Trước đó, để kịp thới ứng phó với bão, vào 21 giờ ngày 14/10, Ban Chỉ đạo tiền phương đối phó với bão số 11 tại thành phố Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương chủ trì để chỉ đạo các địa phương tập trung cao độ chống bão. Nhờ làm tốt công tác sơ tán dân tại các khu vực xung yếu nên tới thời điểm hiện tại, Đà Nẵng chưa ghi nhận những thiệt hại về người. Tuy nhiên, người dân cần sẵn sàng đối phó với lũ và sạt đất. Công ty Điện lực miền Trung đã lên phương án đảm bảo an toàn đường dây 500 KV và các nguồn điện dự phòng để không xảy ra mất điện trên diện rộng, đồng thời huy động lực lượng từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa sẵn sàng tăng cường khôi phục hệ thống điện sau khi cơn bão đi qua. Thành phố Đà Nẵng cũng đã cấm các phương tiện qua cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý và một số tuyến đường có công trình xây dựng cao tầng.
Mưa lớn và gió giật tại Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Trong khi đó, để đối phó với cơn bão số 11, tỉnh Nghệ An quyết định xả lũ hồ Vực Mấu - một trong những hồ lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Rút kinh nghiệm việc xả lũ hồ Vực Mấu trong cơn bão số 10 gây ngập lụt trên diện rộng, thiệt hại cho thị xã Hoàng Mai trên 830 tỷ đồng, lần này Công ty thủy lợi Quỳnh Lưu và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão hồ Vực Mấu đã thông báo về việc xả lũ đến Ủy ban Nhân dân thị xã Hoàng Mai và các xã, phường trên địa bàn một cách chu đáo, đúng quy định. Hồ Vực Mấu bắt đầu xả lũ từ 9 giờ ngày 14/10/2013, từ cao trình mực nước 20,96m xuống 20,5m và xả ở cửa số 3, số 4 và sẽ tiếp tục xả lũ trong những ngày tới nếu lượng mưa tiếp tục tăng. [Hơn 2.000 khách bị lỡ bay do ảnh hưởng bão số 11] Công ty thủy điện Bản Vẽ cũng có thông báo về việc vận hành xả lũ hồ thủy điện Bản Vẽ đến Ủy ban Nhân dân huyện Tương Dương và một số xã nằm trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng cao. Theo kế hoạch, hồ thủy điện Bản Vẽ sẽ bắt đầu xả lũ vào ngày 16/10/2013, với tổng lưu lượng xả từ 300 m3/s đến 1.000 m3/s. Đây là hồ thủy điện lớn nhất tỉnh Nghệ An nên việc xả lũ được các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương tiến hành một cách thận trọng, đúng quy trình, nhằm giảm đến mức các thiệt hại cho các địa phương. Tỉnh Nghệ An hiện có 625 hồ đập, trong đó có 55 hồ có dung tích trên 1 triệu m3 nước; 11 hồ có dung tích nước trên 5 triệu m3 nước; còn lại là các hồ vừa và nhỏ. Đến sáng 15/10, tất cả các hồ đều đã đầy nước, để đảm bảo an toàn các hồ đập, hiện các công ty thủy lợi và ban quản lý các hồ đang tổ chức công tác tuần tra, canh gác; bổ sung lực lượng, phương tiện, vật tư để gia cố, sửa chữa ngay những vị trí bị rò rỉ, sạt lở đất đá; lên phương án xả lũ theo đúng quy trình. Trong đêm 14/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa rất to, gió rất mạnh, đặc biệt là rạng sáng ngày 15/10, khi bão số 11 đổ bộ vào Quảng Nam với lốc mạnh kèm mưa to đã làm cho hàng nghìn ngôi nhà dân, trường học bị sập và tốc mái hư hỏng nặng; cây cối ngã đổ ngổn ngang đầy đường. Nhiều tuyến đường ở thành phố Tam Kỳ và Hội An bị ngập sâu trong nước. Tại thành phố Tam Kỳ, cây cối ngã đổ đè lên nhà dân rất nguy hiểm. Mưa bão gây ngập lụt cục bộ nhiều tuyến đường. Tại nhiều đoạn ở đường Hùng Vương nước ngập từ 30cm đến 50cm, gây ách tắc giao thông cục bộ. Toàn tỉnh Quảng Nam đã mất điện từ đêm 14/10. Theo quan sát của phóng viên, hầu như trên các tuyến đường của thành phố Tam Kỳ và huyện Phú Ninh, cây cối gãy đổ la liệt, kéo theo hệ thống dây điện bị cắt đứt. Trên địa bàn thành phố Tam Kỳ và những huyện lân cận như Phú Ninh, Núi Thành... đã có hàng ngàn ngôi nhà bị sập và tốc mái. Ông Trương Xuân Tý, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam cho biết mưa to, gió lớn kéo dài đã làm nhiều nhà dân bị sập, tốc mái. Trong đêm 14 và rạng sáng 15/10 nhiều người dân tại Phú Ninh và các xã vùng ven Tam Kỳ đã gọi điện đến Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn kêu cứu. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã điện đến một số cơ quan chức năng để hỗ trợ người dân trong mưa bão. Sáng 15/10, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã tỏa đi đến hiện trường các địa phương bị thiệt hại do bão số 11 gây ra để trực tiếp chỉ đạo khắc phục, sớm đưa nhân dân ổn định cuộc sống. Tại Quảng Trị, ông Lê Quang Lanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ cho biết tính đến 6 giờ sáng ngày 15/10, ngay sau bão số 11 đi qua địa phận đảo Cồn Cỏ với sức gió mạnh cấp 11, cấp 13, sóng biển dâng cao, một số công trình xây dựng trên địa bàn huyện đang được sửa chữa do bão số 10 gây thiệt hại vừa qua lại bị tốc mái. Toàn huyện đã bị mất điện. Đặc biệt, hệ thống đê kè chắn sóng biển bị sạt lở một đoạn dài. Rất may không có người thương vong./.
(TTXVN)