Báo động cuộc khủng hoảng nợ châu Âu gia tăng

Tổng thống Mỹ Obama yêu cầu các nước lớn ở châu Âu thể hiện rõ vai trò lãnh đạo trong cuộc đàm phán nhằm tìm giải pháp cho Hy Lạp.
Báo động quốc tế về cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu ngày 13/9 đã gia tăng mạnh khi Tổng thống Mỹ Barack Obama gây sức ép yêu cầu các nước lớn ở châu Âu thể hiện rõ vai trò lãnh đạo trong cuộc đàm phán nhằm tìm giải pháp cho Hy Lạp, quốc gia đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ cho dù đã nhận được những cam kết cứu trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Hãng thông tấn EFE của châu Âu dẫn lời ông Obama phát biểu trước báo giới Tây Ban Nha khẳng định trong khi Hy Lạp hiện vẫn là mối quan ngại sát sườn, châu Âu sẽ phải đối mặt với một vấn đề lớn hơn khi các nền kinh tế lớn trong EU như Tây Ban Nha và Italy bị tác động.

Theo ông Obama, các nhà lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung châu Âu cần thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng nợ công, cần sớm đưa ra những quyết sách nhằm phối hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài chính hiệu quả hơn nhằm tránh để châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn.

Trong nỗ lực nhằm kêu gọi châu Âu tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho biết sẽ tham dự cuộc họp các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra ngày 16-17/9 tại Wroclaw, Ba Lan.

Đây là chuyến công du châu Âu thứ hai của ông Geithner trong vòng một tuần sau khi ông có cuộc gặp với các đối tác chính của EU tại Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cuối tuần trước nhằm thảo luận về tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đối với kinh tế thế giới.

Ông Geithner dự kiến kêu gọi các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro (Eurozone) nhanh chóng phê chuẩn các khoản đóng góp của mỗi nước trong gói cứu trợ chung dành cho Hy Lạp. Tuy nhiên, qui mô quĩ cứu trợ không được đề cập.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn của đài phát thanh Đức, Thủ tướng nước này Angela Merkel tuyên bố châu Âu đang làm hết sức để cứu Hy Lạp thoát khỏi tình trạng vỡ nợ, đồng thời kêu gọi liên minh cầm quyền của bà thận trọng trong tuyên bố của mình nhằm tránh tạo ra những hỗn loạn trên các thị trường tài chính.

Trong khi đó, Ba Lan đang thúc giục Hy Lạp cầu viện tài chính từ Câu lạc bộ các chủ nợ Paris nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ hiện nay tại Hy Lạp.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Kinh tế Ba Lan Waldemar Pawlak cho biết Câu lạc bộ Paris đã từng tiến hành tái cơ cấu nợ cho hàng chục nước, trong đó có Ba Lan. Năm 1989, thể chế này đã ký thỏa thuận xóa 50% nợ cho Warszawa.

Trước đó, đề cập đến cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 13/9 công bố báo cáo thường niên về tình hình tài chính công châu Âu cho biết nợ công của 17 nước Eurozone sẽ tiếp tục tăng và có thể lên tới 88,7% GDP vào năm 2012, bất chấp việc kinh tế tăng trưởng trở lại.

Vốn đang phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế trầm trọng hơn so với các nước khác trong khu vực đồng euro, bộ ba đã nhận cứu trợ quốc tế gồm Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để có thể giảm được gánh nặng nợ nần.

Tình hình cũng không sáng sủa hơn đối với Tây Ban Nha và Anh (nước vẫn đứng ngoài Eurozone), bởi các khoản tiền khổng lồ dành cho cứu trợ ngân hàng và bong bóng nhà đất bị vỡ tung sẽ khiến chính phủ gặp khó khăn hơn trong việc chi phí tài chính để khắc phục ảnh hưởng của tình trạng lão hóa dân số trong những thập kỷ tới.

Đối với 5 nước này, "nợ nần tăng cao kể từ khi bắt đầu khủng hoảng có nghĩa là khả năng giảm nợ vào năm 2014 sẽ là rất nhỏ và sẽ phải mất nhiều năm hơn mới có thể đảo ngược tình hình."

Trong lúc chờ đợi dự báo kinh tế mới công bố vào ngày 15/9, EC dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay của Eurozone ở mức 1,8%, tương đương như năm ngoái. Nhưng tỷ lệ nợ/GDP của khu vực này tiếp tục tăng sau các đợt tăng cao trong năm 2008-2009 và 2009-2010 vào lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo EC, nợ sẽ chiếm 87,9% GDP của Eurozone trong năm nay. Riêng tỷ lệ nợ/GDP của Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha cũng như Italy sẽ lên tới hơn 100%, trong khi mức trần theo quy định của EU chỉ là 60%. Năm 2007, tỷ lệ nợ/GDP trong Khu vực đồng tiền chung mới chỉ ở mức 66,3%.

Còn đối với EU gồm 27 thành viên, tỷ lệ nợ/GDP được điều chỉnh tăng từ mức 59% của năm 2007 lên mức dự báo 83,3% cho năm tới.

Theo ông Marco Buti, một quan chức thuộc Ủy ban các vấn đề kinh tế và tiền tệ của EU, bất chấp GDP tăng trưởng trở lại, việc chính phủ các nước dần rút lại các biện pháp hỗ trợ tạm thời và bắt đầu củng cố tài khóa để cắt giảm thâm hụt ngân sách, nợ công sẽ tiếp tục gia tăng trong năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục