Dramane Haïdara, chuyên gia về phát triển việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Dakar, cảnh báo: "Thế giới đang chìm vào một cuộc khủng hoảng việc làm chưa từng có. Châu Phi cận Sahara vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng này."
Trích dẫn báo cáo mới nhất của ILO, chuyên gia Dramane Haïdara cho biết trong năm 2013, thế giới có 75 triệu thanh niên thất nghiệp, trong đó có 38 triệu người Phi. Tính tổng cộng, châu Phi có 200 triệu người trong độ tuổi từ 18-24, chiếm 40% lực lượng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp trong số dân này gấp đôi so với lứa tuổi trên 24.
Dưới góc độ phân tích của chuyên gia ILO, những người trẻ tuổi không có triển vọng nghề nghiệp là một "thế hệ bị thiệt thòi, đe dọa sự gắn kết xã hội."
Kết quả một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy khoảng 40% số người thất nghiệp tham gia các cuộc nổi dậy và các phong trào khủng bố.
Các diễn giả tại hội nghị các nhà lãnh đạo trẻ châu Phi, diễn ra tại thủ đô Dakar, Senegal từ ngày 13 đến 17/1 cho rằng tầng lớp thanh niên tuyệt vọng thực sự là một "quả bom nổ chậm."
Trên thị trường lao động, tình hình không may mắn tiếp tục xấu đi trong những năm gần đây, đặc biệt là ở các nước Bắc Phi. Với gần 30% thanh niên thất nghiệp, khu vực này có tỷ lệ cao nhất thế giới về thiếu việc làm.
Tunisia, cái nôi của các cuộc cách mạng Arập gần đây, trung bình mỗi tháng mất 30.000 việc làm. Căng thẳng chính trị tiếp tục trở thành gánh nặng cho kinh tế của đất nước này, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, lĩnh vực tạo ra 400.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp trong thời kỳ hoàng kim. Đó cũng là điều đáng quan tâm tại khu vực châu Phi cận Sahara.
Theo WB, thanh niên chiếm 60% trong số người thất nghiệp của khu vực này. Mỗi năm có khoảng 10-12 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động, nhưng xu hướng không đáp ứng được việc làm cho họ vẫn hiện hữu. Các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng thất nghiệp là những nước mới thoát ra khỏi các cuộc nội chiến và bất ổn chính trị kéo dài.
Thậm chí, tại các nước tránh được chiến tranh hoặc thảm họa thiên nhiên trên quy mô lớn, tình trạng thanh niên thất nghiệp sâu sắc làm đảo lộn cân bằng xã hội.
Theo chuyên gia ILO, tỷ lệ thất nghiệp cao của thanh niên châu Phi không chỉ do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bùng nổ dân số, mà còn do các nhà hoạch định chính sách thiếu tầm nhìn.
Hiện tượng thất nghiệp và thiếu việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học là vấn đề giữa cung và cầu, giữa nhu cầu đào tạo của các trường đại học châu Phi và thị trường lao động.
Theo ông Dramane Haïdara, sự mất cân đối này là một trong những nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng việc làm ở châu Phi.
Chuyên gia của ILO than phiền: "Các nền kinh tế châu Phi chiếm 80% là nông nghiệp, nhưng ở đây không có một trường đại học nông nghiệp nào xứng đáng với tên gọi."
Ông kêu gọi các chính phủ châu Phi nhanh chóng giải quyết vấn đề giáo dục nhằm chuyên nghiệp hóa việc giảng dạy và hướng dẫn cho sinh viên về đào tạo kỹ thuật, chuẩn bị cho họ nhiều hơn về các hoạt động kinh doanh so với các công việc được trả lương.
Theo ước tính của các chuyên gia về nhân khẩu học, sẽ có hơn 340 triệu thanh niên châu Phi trong hai thập kỷ tới. Đến năm 2035, lực lượng lao động tiềm năng chính trong thế giới toàn cầu hóa sẽ nằm ở châu Phi. Đây là cơ hội cho châu Phi có một lực lượng lao động trẻ, có học thức và dồi dào để nuôi dưỡng sự tăng trưởng kinh tế của mình./.