Báo Đức: Trung Quốc đang phá hoại môi trường tại Biển Đông

Việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng đảo nhân tạo ở Hoàng Sa và Trường Sa sẽ gây hậu quả lớn với môi trường và sinh thái ở Biển Đông.
Báo Đức: Trung Quốc đang phá hoại môi trường tại Biển Đông ảnh 1Hoạt động bồi đắp, lấn biển của Trung Quốc trên Biển Đông. (Nguồn: nytimes.com)

Việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo ở Hoàng Sa và Trường Sa sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với môi trường và sinh thái ở Biển Đông.

Đây là nhận định của giáo sư David Rosenberg thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), chuyên gia về chính sách môi trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phát biểu trong bài trả lời phỏng vấn với tiêu đề “Trung Quốc đang phá hoại Biển Đông” số ra ngày 17/4 trên báo điện tử Sóng Đức (Deutsche Welle - DW), giáo sư Rosenberg cho rằng việc cải tạo, xây dựng của Trung Quốc và Đài Loan ở quần đảo Trường Sa trước tiên để phục vụ các mục đích quân sự khi các đảo Ba Bình, đá Gaven, đá Gạc Ma và Chữ Thập đã được củng cố mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Giáo sư Rosenberg nhận định chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông rất tham vọng với mục tiêu tăng cường sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ để cũng cố các đảo đang chiếm giữ và mở rộng kiểm soát các khu vực trên Biển Đông trong phạm vi cái gọi là “đường 9 đoạn”, qua đó nhằm bảo vệ yêu sách chủ quyền lịch sử và các lợi ích của Trung Quốc về thủy sản, tuyến đường hàng hải cùng tài nguyên dầu khí.

Theo giáo sư Rosenberg, để hiện thực hóa mục tiêu trên, Trung Quốc đã củng cố các hạm đội và cơ sở quân sự ở nhiều đảo ở Trường Sa và nước này không do dự trong việc sẵn sàng sử dụng tàu quân sự để bảo vệ, hộ tống cho ngư dân của họ.

Do đó, các bên liên quan cần theo dõi sát các kế hoạch xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Liên quan đến lĩnh vực môi trường, theo ông Rosenberg trong ngắn hạn, những thiệt hại đối với môi trường sẽ là rất lớn khi hệ sinh thái khu vực và các rạn san hô bị phá hủy bởi việc hút cát và xây dựng bê tông.

Trong khi đó, những hậu quả lâu dài chưa thể đánh giá một cách cụ thể nhưng cũng rất nghiêm trọng.

Về những thiệt hại tài chính mà việc phá hủy các rạn san hô gây ra, giáo sư Rosenberg cho rằng tuy không dễ để có thể định lượng một cách cụ thể nhưng hậu quả là rất đáng kể bởi các rạn san hô là nền tảng của hệ sinh thái đại dương, là không gian sống của hàng nghìn sinh vật biển, trong đó có những loài cá và tôm đặc biệt quý hiếm.

Khu vực tam giác giữa Biển Đông, Biển Sulu và Biển Sulawesi cũng như khu vực tiếp giáp được các chuyên gia đánh giá là trung tâm đa dạng sinh học biển toàn cầu, do đó vùng này có ý nghĩa đặc biệt đối với nghiên cứu khoa học biển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục