Mặc dù tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đang tăng nhưng để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra thì vẫn còn là một chặng đường khó khăn.
Đây là thông tin được đưa ra tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội” do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức ngày 18/10 tại Hà Nội.
Tăng nhanh bảo hiểm tự nguyện
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định: “Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc qua đời, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội”. Như vậy, chính sách bảo hiểm xã hội được thực hiện trên cơ sở huy động sự đóng góp, tích lũy của những người lao động khi còn trẻ, còn khỏe mạnh để bảo đảm ổn định thu nhập khi gặp phải các rủi ro.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết hiện có hai loại hình bảo hiểm xã hội là bắt buộc và tự nguyện. Theo đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng đối với người lao động có quan hệ lao động (làm việc theo hợp đồng lao động) với năm chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất; trách nhiệm đóng góp được quy định thuộc về cả người lao động và người sử dụng lao động.
Trong khi đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện được áp dụng đối với những người lao động không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; hiện đang được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Do không có quan hệ lao động theo hợp đồng nên trách nhiệm đóng góp thuộc về người lao động.
Cũng theo ông Hải, số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng hàng năm và hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao. Nếu tính 5 năm trở lại đây, từ năm 2014, hàng năm số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng bình quân hơn 5,8%.
[Tháo gỡ vướng mắc trong khởi tố hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội]
Ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), nhận định rằng bảo hiểm xã hội tự nguyện có tốc độ tăng lớn hơn. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tính đến tháng 9/2019 là hơn 15,2 triệu người, trong đó người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn 14,7 triệu người, tăng hơn 2,2% so với năm trước; bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 463.000 người, tăng 6,7%.
“Mục tiêu của cơ quan bảo hiểm xã hội là số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2020 phấn đấu tăng so với năm 2019 ít nhất là 240.000 người. Trong năm 2019, kế hoạch đặt ra là 490.779 người; cho đến nay đã đạt trên 463.000 người, nghĩa là kế hoạch của năm 2019 đang rất khả quan, nếu không muốn nói là vượt mức,” ông Đinh Duy Hùng
Cải thiện quy trình, linh hoạt chi trả
Mặc dù tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đang tăng nhưng vẫn còn nhiều thách thức để có thể đạt được mà Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đặt ra là 1% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vào năm 2021 và 2,5% vào năm 2025. Đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản.
Ông Trần Hải Nam nhận định nhìn lại con số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện qua 10 năm triển khai thực hiện (2008- 2018), tính đến 31/12/2018, cả nước mới có 270.779 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm khoảng 0,55% lực lượng lao động trong độ tuổi. Từ nay đến các năm 2021, 2025, thời gian cũng không còn dài để có thể đẩy mạnh diện bao phủ. Rõ ràng, đây là một nhiệm vụ khó khăn đặt ra với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Để có thể “cán đích” mục tiêu về phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện, cơ quan bảo hiểm xã hội đang tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thông qua các hệ thống phát triển mạng lưới thu, các đại lý thu bảo hiểm xã hội; trong đó có phối hợp với Tổng Công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam để thu hút thêm người lao động.
Bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), chia sẻ cơ quan bảo hiểm xã hội đã xây dựng nhiều quy trình thuận tiện cho người lao động đồng thời tiến hành cắt giảm các thủ tục hành chính. Hiện nay, chỉ còn tổng 28 thủ tục hành chính cho toàn bộ các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Điều này đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian cho người dân khi giao tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội.
“Chúng tôi cũng áp dụng phương thức chi trả linh hoạt. Người thụ hưởng bảo hiểm xã hội có thể lựa chọn nhận tiền mặt tại cơ quan bảo hiểm xã hội, hay qua tài khoản ngân hàng, hoặc qua người sử dụng lao động mới,” bà Đinh Thị Thu Hiền nói.
Hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bằng việc liên thông cơ sở dữ liệu giữa các tỉnh. Người dân chỉ cần đến làm việc tại cơ quan bảo hiểm xã hội gần nhất mà vẫn truy xuất được dữ liệu của mình. Giao dịch điện tử trong các thủ tục hành chính cũng đang được đẩy mạnh nhằm giảm thiểu thời gian, thuận tiện cho người dân và đơn vi khi giao tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội./.