Ít nhất 5 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực xảy ra tại Bangladesh trong ngày diễn ra tổng tuyển cử 30/12 tại quốc gia Nam Á này.
Cảnh sát cho biết họ buộc phải nổ súng vào một đám đông ở thị trấn miền Nam Bashkhali khi những người này tấn công một điểm bỏ phiếu.
Có 1 người thiệt mạng trong vụ việc này. Trong một vụ khác, một người đàn ông đã bị cảnh sát bắn khi định đánh cắp hòm phiếu.
Ngoài ra, 3 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ khác nhau giữa các nhóm ủng hộ đảng Liên đoàn Awami (AL) cầm quyền và đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) đối lập.
Bạo lực đã xảy ra giữa những người ủng hộ các đảng phái khác nhau trong chiến dịch vận động tranh cử nhiều tuần qua tại Bangladesh.
Tính từ ngày 8/11 - thời điểm cuộc tổng tuyển cử được thông báo - cho đến nay, cảnh sát Bangladesh xác nhận 9 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương trong các vụ đụng độ. Khoảng 14.000 đối tượng quá khích đã bị bắt giữ.
Khoảng 600.000 nhân viên an ninh đã được triển khai trên khắp quốc gia Nam Á này, trong đó có 40.000 điểm bỏ phiếu, nhằm đảm bảo cuộc tổng tuyển cử diễn ra an toàn.
Nhà chức trách Bangladesh cũng yêu cầu các công ty viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ mạng 3G và 4G cho đến đêm 30/12 (theo giờ địa phương) nhằm ngặn chặn việc lan truyền thông tin có thể kích động bạo loạn.
[Người dân Bangladesh bắt đầu tham gia cuộc tổng tuyển cử lần thứ 11]
Nhà chức trách cũng đã ban hành lệnh cấm xe cơ giới lưu thông trong ngày tổng tuyển cử, ngoại trừ xe của quan chức, các ứng cử viên, nhân viên đội ngũ tranh cử, các quan sát viên có sự cho phép của cơ quan chức năng, cùng phương tiện của các cơ quan thi hành pháp luật, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe của các lực lượng phòng vệ dân sự, công ty điện lực, khí đốt và viễn thông.
Có 1.841 ứng cử viên tham gia cuộc tổng tuyển cử lần thứ 11 của Bangladesh, trong đó 1.745 ứng cử viên thuộc các chính đảng và 96 người còn lại là các ứng cử viên độc lập.
Cuộc bầu cử được xem là cuộc đua giữa đảng AL của Thủ tướng đương nhiệm Sheikh Hasina và đảng BNP của cựu Thủ tướng Khaleda Zia cùng các đồng minh. Trước đó, bà Zia đã bị cấm tranh cử trong cuộc bỏ phiếu tới vì đang thụ án tù với tội danh tham nhũng./.