Báo Nhật nói Hàn “chạnh lòng” vì tên lửa Triều Tiên

Sự kiện Triều Tiên phóng thành công tên lửa là bước phát triển vượt bậc về công nghệ của Triều Tiên song lại là điều khiến Hàn Quốc phải “chạnh lòng.”

Theo mạng tin Sankei tối 12/12, sự kiện Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo mà Bình Nhưỡng khẳng định là mang “vệ tinh quan sát trái đất” ngày 12/12 được coi là bước phát triển vượt bậc về công nghệ tên lửa của Triều Tiên song lại là điều khiến Hàn Quốc - quốc gia bên kia chiến tuyến - phải “chạnh lòng.”

 

Sau sự kiện ngày 12/12, Hàn Quốc bề ngoài cố giữ vẻ bình tĩnh trước thành công của Bình Nhưỡng nhưng thực chất trong thâm tâm, Seoul cảm thấy sốt ruột và lo âu. Công nghệ tên lửa đẩy của Hàn Quốc thực tế đã vấp phải những vấn đề nghiêm trọng.

Bất chấp việc Nga, quốc gia hàng đầu về công nghệ vũ trụ, hỗ trợ chế tạo tên lửa đẩy cỡ lớn, Hàn Quốc vẫn liên tục hứng chịu thất bại sau hai lần phóng tên lửa lên quỹ đạo trái đất. Kế hoạch phóng vệ tinh lần thứ ba của Hàn Quốc vào tháng 11/2012 cũng bị buộc phải hoãn lại do sự cố về kỹ thuật.

 

Ngoài ra, tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc bị hạn chế ở tầm bắn tối đa đến 800 km do bị ràng buộc trong các cam kết với Mỹ về việc tham gia hệ thống phòng thủ chung. Với tầm bắn đó, tên lửa của Hàn Quốc chỉ bằng 1/8 uy lực so với tên lửa của Triều Tiên.

 

Việc Triều Tiên không ngừng phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa đi kèm với phát triển hạt nhân liên tục kích động tâm lý đối đầu ở Hàn Quốc. Dư luận Hàn Quốc ngày càng thể hiện thái độ bất mãn với cục diện địa chính trị mà Mỹ và Nga đang tạo ra trên Bán đảo Triều Tiên và xuất hiện ngày càng nhiều những tiếng nói đòi Seoul phải tìm kiếm con đường phát triển độc lập, tương xứng với tiềm lực quốc gia. Tâm lý này vô hình chung đã làm bùng phát cuộc chạy đua giữa hai miền Triều Tiên về cả quân sự lẫn công nghệ vũ trụ.

 

Tham vọng phát triển công nghệ hàng không vũ trụ đang được Seoul hiện thực hóa thông qua nhiều vụ phóng vệ tinh trong những năm qua. Tuy nhiên, tính đến năm 2012, Hàn Quốc vẫn chưa thực sự phóng được loại tên lửa đẩy nào do nước này tự nghiên cứu và phát triển mang theo vệ tinh có trọng lượng tối đa 1 tấn, giống như thành công mà thế hệ tên lửa đẩy H2 của Nhật Bản thu được thời gian qua.

 

Chính vì vậy, Seoul buộc lòng cũng phải tham gia phát triển tên lửa đẩy với Nga nhưng với hai lần phóng vệ tinh hồi tháng 8/2009 và tháng 6/2010, Hàn Quốc đều hứng chịu thất bại cay đắng. Hàn Quốc phải liên tục rời thời điểm dự kiến phóng vệ tinh vào tháng 10/2012 sang tháng 11/2012.

Nghiêm trọng hơn, dư luận Hàn Quốc một lần nữa lại thất vọng ê chề khi ngay tại buổi truyền hình trực tiếp ở bãi phóng vệ tinh, Hàn Quốc thông báo hoãn kế hoạch trong khi chỉ còn 16 phút nữa là tên lửa rời bệ phóng.

 

Bên cạnh đó, về phương diện tên lửa, quân đội Hàn Quốc phải tuân thủ “Quy định về tiêu chuẩn tên lửa Mỹ-Hàn” theo đó tên lửa của nước này bị hạn chế tầm bắn tối đa đến 300 km. Tuy nhiên, sau cuộc đàm phán với Mỹ hồi tháng 10/2012, hai bên đã đồng ý sửa đổi bổ sung quy định ngặt nghèo này, nâng tầm bắn lên 800 km. Như vậy, tầm bắn mới này không vượt ra khỏi phạm vi của tên lửa cự ly ngắn và chỉ khi được bắn từ khu vực miền Trung Hàn Quốc, tên lửa mới vươn tới toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên.

 

Sức mạnh kinh tế của Hàn Quốc nếu tính theo Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) gấp 40 lần Triều Tiên. Vậy mà, về lĩnh vực phát triển tên lửa đẩy trong lĩnh vực quân sự và vũ trụ, Hàn Quốc đã tụt hậu khá xa so với Triều Tiên. Rõ ràng, người dân Hàn Quốc khó tránh khỏi thái độ bất mãn và tự ti./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục