Bảo tàng thiên nhiên: Kể lại câu chuyện sự sống cách đây 4 tỷ năm

Sau Tám tháng mở cửa, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - nơi kể lại câu chuyện sự sống cách đây 4 tỷ năm bằng hiện vật đã thu hút được một lượng khách tham quan đáng kể...
Bảo tàng thiên nhiên: Kể lại câu chuyện sự sống cách đây 4 tỷ năm ảnh 1Nhiều trẻ em đến tham quan Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. (Nguồn: BTTNVN)

Sau tám tháng mở cửa, tới cuối 2014, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã đón nhận rất nhiều lượt khách tham quan. Đây được xem là con số khởi đầu ấn tượng khi bảo tàng chỉ có một phòng trưng bày chừng 300m2.

Vào những ngày cuối năm Giáp Ngọ, niềm vui lại đến nơi đây khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư dự án Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (từ 2015-2025).

Nhân dịp đầu năm mới Ất Mùi, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi cởi mở với phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trung Minh, Giám đốc Bảo tàng xoay quanh vấn đề này.

Trái ngọt

- Kể từ khi được mở cửa với việc khai trương Phòng trưng bày tiến hóa sinh giới vào 15/5/2014, xin ông cho biết những kết quả ban đầu mà Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã thu nhận được?

PGS.TS Nguyễn Trung Minh:
Sau tám tháng mở cửa, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã đón khoảng 30.000 lượt khách tham quan. Con số trên không hẳn là lớn, song với một bảo tàng với phòng trưng bày nhỏ lại mới mở cửa thì số lượng khách nói trên rất ấn tượng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có những bảo tàng lớn trên thế giới nhưng con số khách tham quan cũng chỉ tương đương…

Điều này thể hiện rất rõ sự quan tâm của đông đảo người dân, các nhà khoa học và đặc biệt là học sinh, sinh viên. Thống kê cho thấy, tỷ lệ học sinh (gồm học sinh các cấp, sinh viên) chiếm tới 58% lượng khách tham quan, kế tiếp là mẫu giáo, mầm non chiếm 27% và các đối tượng khác khoảng 15%.

Chúng tôi cũng rất vui mừng bởi dù công tác truyền thông đang mới ở giai đoạn bắt đầu, chưa mạnh mẽ nhưng các bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên… tự tìm hiểu, quảng bá rồi tìm tới bảo tàng.

- Hiện, khu trưng bày của bảo tàng có bao nhiêu mẫu vật?

PGS.TS Nguyễn Trung Minh:
Hiện chúng tôi có khoảng 40.000 mẫu vật gồm thú, bò sát lưỡng cư, cá, côn trùng, mẫu hóa thạch, mẫu địa chất, thực vật, nấm, các loài đặc hữu, mẫu chuẩn của các loài động vật, thực vật, côn trùng mới cho khoa học của Việt Nam. Do diện tích phòng trưng bày rất hẹp nên mới chỉ bày được khoảng gần 2.000 mẫu vật. 

Bảo tàng thiên nhiên: Kể lại câu chuyện sự sống cách đây 4 tỷ năm ảnh 2Phó giáo sư Nguyễn Trung Minh. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Tại đây, khách tham quan có thể tìm hiểu về thế giới tự nhiên từ khi sự sống bắt đầu được hình thành trên trái đất cách ngày nay gần 4 tỷ năm.

Cụ thể, không gian trưng bày về nguồn gốc sự sống được thể hiện thông qua cây tiến hóa sinh giới; lịch sử sự sống qua các thời kỳ địa chất bằng các mẫu hóa thạch (từ thời kỳ tiền Cambri, cách ngày nay gần 600 triệu năm); sự hình thành và tiến hóa của con người; sự sống thời hiện đại thể hiện sự đa dạng và phong phú của thế giới sinh vật ngày nay qua các mẫu trưng bày về động vật, thực vật và côn trùng…

Không gian trưng bày gồm 2 phần là sinh vật với hai mảng chính là động vật và thực vật (gồm cả nấm), tiếp đó là phần vô cơ về khoa học Trái Đất, chủ yếu là mẫu đất đá, hóa thạch cổ sinh, khoáng vật…

Vai trò của bảo tàng là phục vụ công chúng, giáo dục cộng đồng về tình yêu thiên nhiên, bảo vệ, sống hòa hợp và có trách nhiệm với thiên nhiên.

Tôi lấy ví dụ, khi ta cần giáo dục thế hệ trẻ về động vật trong sách đỏ nghiêm cấm săn bắt, buôn bán… Nhưng, nếu chúng ta chỉ để hình ảnh con vật trong cuốn sách hàng nghìn trang thì không phải ai cũng có thể đọc cả nghìn trang để tìm kiếm. Thế nhưng, khi trẻ em vào bảo tàng, nhìn thấy tiêu bản của động vật trực quan sinh động sẽ ăn sâu vào ý nghĩ và sẽ dễ hiểu, dễ nhớ hơn rất nhiều.

Tại bảo tàng, ngoài việc lưu giữ tiêu bản mẫu vật, chúng tôi sẽ lưu giữ cả mẫu AND giúp cho việc nghiên cứu khoa học. Qua đó, thế hệ tương lai có thể biết rõ hơn về cả những loài đã tuyệt chủng…

Bên cạnh các mục đích trên, Bảo tàng còn có nhiệm vụ giới thiệu cho bạn bè quốc tế sự phong phú, đa dạng của thiên nhiên Việt Nam.

Mở rộng quy mô

- Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với chủ trương đầu tư dự án Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam giai đoạn từ 2015 trở đi với quy mô lớn hơn rất nhiều. Xin ông cho biết thêm về dự án này?

PGS.TS Nguyễn Trung Minh: Việc Thủ tướng đồng ý với chủ trương xây dựng Bảo tàng mới thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ về việc đầu tư, xây dựng hệ thống bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, trong đó Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là bảo tàng đầu hệ.

Trong dự án này, vị trí dự kiến của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam sẽ nằm ở Quốc Oai (Hà Nội) với diện tích 32ha. Có ý kiến cho rằng, đây là địa điểm xa trung tâm Thủ đô nhưng đứng về mặt tương lai trong vài chục tới hàng trăm năm nữa, tôi nghĩ vị trí này có khoảng cách vừa phải.

Chúng tôi đã hoàn tất nhiều thủ tục như đo đạc, chỉ giới đường đỏ hạ tầng, chuẩn bị lập quy hoạch để tiến tới giai đoạn xây dựng.

Dự án này sẽ bao gồm các khu chức năng gồm khu trưng bày trong nhà, khu dành cho bộ sưu tập mẫu vật quốc gia, rừng kín thường xanh, hang động, núi đá, công viên đá, khu vườn địa chất, khu trưng bày kết hợp học tập, trung tâm nghiên cứu và văn phòng, khu dịch vụ, hồ nước đảo nổi, khu kỹ thuật và chế tác mẫu vật…

Thời gian dự kiến cho việc xây dựng là 10 năm. Tuy nhiên, sau năm 2025 vẫn tiếp tục, bởi trên thực tế, các bảo tàng thiên nhiên đều thu nhận mẫu theo thời gian. Đây là quá trình liên tục, có cập nhật.

Về nguyên tắc, bảo tàng lưu giữ tiêu bản, trong đó nhiều mẫu quý hiếm trong sách đỏ và chỉ lưu giữ trên nguyên tắc sau khi động vật đó bị chết mới đưa vào bảo tàng. Như vậy, giai đoạn ban đầu sẽ tập trung khoảng 80-90% mẫu vật, cơ sở hạ tầng.

Bảo tàng thiên nhiên: Kể lại câu chuyện sự sống cách đây 4 tỷ năm ảnh 3Không gian trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tại 18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội khá ấn tượng với người xem. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

- Tổng kinh phí dành cho dự án bảo tàng tại Quốc Oai là bao nhiêu, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Trung Minh: Hiện nay chúng tôi đang xây dựng kế hoạch chi tiết của dự án, vì vậy chưa thể đưa ra con số cuối cùng.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam được thực hiện theo từng dự án được phê duyệt cụ thể của cơ quan có thẩm quyền, nên hoàn toàn phụ thuộc vào “sức khỏe” tài chính của đất nước. Tổng dự án có 15 khu, thực hiện dưới hình thức đầu tư cuốn chiếu từng khu một chứ không phải đầu tư dàn trải. Bởi thế, nếu tình hình tài chính tốt thì dự án sẽ xong sớm và có thể kéo dài thời gian hơn nếu tài chính chưa sẵn sàng.

- Ở Việt Nam, có một số bảo tàng vừa có hoạt động nghiên cứu khoa học, vừa quảng bá nhưng vẫn có nguồn thu tốt. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam có hướng tới mục tiêu như vậy không?

PGS.TS Nguyễn Trung Minh: (Cười) Chúng tôi hướng tới mục tiêu đó. Tuy nhiên, để đạt được đòi hỏi phải có thời gian và đầu tư công phu. Tuy nhiên, việc bán vé, thu tiền tôi nghĩ cũng sẽ được tính toán một cách hợp lý. Bởi lẽ, bảo tàng xây dựng nhờ nguồn ngân sách nhà nước thì người dân có quyền được hưởng một phần trong đó…

- Xin cảm ơn ông!

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hiện đang trưng bày tại địa chỉ nhà A20, số 18 Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội).

Bảo tàng mở cửa cho khách tham quan tự do (miễn phí) từ thứ Năm tới Chủ Nhật. Thứ Ba, thứ Tư là thời gian dành cho các đoàn nghiên cứu và học tập. Thời gian mở cửa từ 8 giờ 30 phút tới 11 giờ 30 phút và từ 13 giờ 30 phút tới 16 giờ 30 phút.

Ngoài trưng bày, bảo tàng còn có lịch chiếu phim 3D (từ 15 khách ở độ tuổi 5 tuổi trở lên) với 4 ca chiếu/ngày gồm 9 giờ, 10 giờ, 14 giờ và 15 giờ.

Dịp Tết Ất Mùi, bảo tàng sẽ đóng cửa từ ngày 15/2 đến ngày 25/2.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục