Bảo tồn, phát triển các lò võ cổ truyền Bình Định

Liên hoan võ cổ truyền Bình Định hướng tới mục đích chấn hưng võ cổ truyền Bình Định, đưa tinh hoa văn hóa Việt ra khắp năm châu.
Võ cổ truyền Bình Định là tinh hoa văn hóa của cả dân tộc. Việc bảo tồn và chấn hưng loại hình tinh hoa văn hóa này là điều cấp thiết. Tỉnh Bình Định đã 3 lần tổ chức Liên hoan quốc tế võ cổ truyền cũng nhằm hướng tới mục đích chấn hưng võ cổ truyền Bình Định, đưa tinh hoa văn hóa Việt ra khắp năm châu.

Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Bình Định lần thứ 4 sẽ diễn ra đầu tháng 8 này sẽ được tổ chức công phu, nhiều bản sắc và mang đậm dấu ấn võ Việt.

Chấn hưng các lò võ

Để chuẩn bị cho Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Bình Định lần thứ 4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đang đầu tư bảo tồn và phát triển các lò võ cổ truyền trên địa bàn. Trước mắt, tỉnh Bình Định tập trung nâng cấp, phát triển cơ sở vật chất tại 4 võ đường, gồm Chùa Long Phước (huyện Phù Cát), võ đường Lý Xuân Hỷ (thị xã An Nhơn), các võ đường Hồ Sừng, Phan Thọ (huyện Tây Sơn).

Ngoài việc hỗ trợ nâng cấp đường vào các võ đường, mở rộng sân tập, mỗi lò võ còn được hỗ trợ từ 50-100 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn.

Phó giám đốc Sở văn hóa, thể thao và du lịch, Chủ tịch Liên đoàn võ thuật Bình Định ông Đinh Khắc Diện cho biết: Sau khi nâng cấp, các võ đường này phải đạt các tiêu chí cơ bản: sân tập rộng rãi, thoáng mát, nền đất cứng đủ điều kiện cho võ sinh tập luyện cả khi trời mưa hay nắng; bảo tồn đặc tính tự nhiên của võ cổ truyền Bình Định như tập chân đất; sử dụng thiết bị, binh khí tập luyện từ dân gian như tre, mây, lu, chậu, hố đất… Việc khôi phục lại bản chất “cổ truyền” của các lò võ tạo cho võ cổ truyền Bình Định trở về với nguồn cội, với giá trị nhân văn gốc rễ được kết tinh từ xa xưa.

Tỉnh Bình Định hiện có 96 võ đường, câu lạc bộ võ thuật nhưng chưa có võ đường nào đáp ứng đủ các tiêu chí trên. Sau Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Bình Định lần thứ 4 năm nay, đến 2015, tỉnh Bình Định sẽ tục đầu tư nâng cấp, chấn hưng thêm 24 lò võ khác. Đây là bước đầu nhằm hướng đến mục tiêu lâu dài là chấn hưng nền võ học cổ truyền Bình Định.

Nâng tầm liên hoan võ cổ truyền


Ông Định Khắc Diện cho biết: Tại Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Bình Định lần thứ 4, ngoài việc tổ chức biểu diễn, giao lưu học hỏi võ thuật giữa các đoàn, các võ sư, võ sinh, hàng loạt các hoạt động đặc sắc khác cũng được tổ chức như Giải vô địch cúp đối kháng võ cổ truyền giữa các câu lạc bộ trong toàn quốc; Giải đối kháng giữa các võ sỹ trong nước với các võ sỹ nước ngoài (đối kháng theo đòn thế, không đánh thật).

Ngoài ra, liên hoan cũng sẽ mời các môn phái, loại hình võ thuật từ các tỉnh miền núi phía Bắc, võ ChămPa, các môn phái võ miệt vườn miền Nam… tham dự liên hoan. Các sõ sư, võ sỹ biểu diễn quyền thảo ở 2 cấp độ chậm và nhanh nhằm tạo điều kiện để người tham quan và môn phái khác giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Mỗi đoàn hoặc môn phái chọn ra 2 vận động viên tham gia thi đấu biểu diễn theo hạng cân; các loại hình võ dưỡng sinh phải được biểu diễn trên nền nhạc…

Ngoài các hoạt động võ thuật, Liên hoan còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như đua thuyền trên đầm Thị Nại, đánh bài chòi cổ, thi người đẹp võ thuật. Những hoạt động trên sẽ mang lại nhiều sắc thái cho liên hoan võ cổ truyền. Tuy nhiên, để tăng tính độc đáo cho người xem cũng như các đoàn võ thuật quốc tế, các môn phái, lò võ Bình Định cần mang đến tính “đặc dị” của võ cổ truyền Bình Định trong mắt bạn bè.

Võ cổ truyền Bình Định và võ cổ truyền Việt Nam đều là các môn phái võ dành cho người nông dân. Trong quá khứ, người dân chân lấm tay bùn không ít lần đánh giặc, chống cường hào ác bá bằng những thứ vũ khí tưởng như không phải là… vũ khí như đinh ba, bồ cào của anh mục đồng, cây đòn gánh của người phụ nữ nông thôn; chiếc khăn quàng cổ, câu liêm, đũa, tóc, roi chăn bò… tất cả đều đã từng là vũ khí tự vệ lợi hại và được hệ thống bài bản trong nhiều môn phái nhưng rất hiếm được nhìn thấy gần đây.

Có một thực tế ở 3 lần liên hoan trước là các đoàn võ thuật Việt Nam tại nước ngoài hoặc những đoàn mời trong nước mang đến liên hoan nhiều tính “đặc dị” theo môn phái hơn các lò võ tại Bình Định. Trong khi Bình Định Sa long cương tại Ý mang lại những đòn thế mạnh mẽ khác biệt; Hiệp khí đạo tại Pháp mang đến nhiều thế cận chiến đặc sắc; Kinh võ Huế cũng nhiều tính độc đáo… thì các lò võ Bình Định tựu trung chỉ biểu diễn 18 bài quyền thảo bắt buộc trong hệ thống võ cổ truyền Việt Nam; cách phân thế các bài quyền vì vậy cũng không khác nhau nên dễ tạo sự nhàm chán.

Tại các triển lãm binh khí, hoàn toàn cũng chỉ có các loại võ khí trong thập bát ban binh khí. Ông Diện nói, “tại liên hoan lần 4, ngoài thập bát ban binh khí, ban tổ chức khuyến khích các môn phái sử dụng đòn thế và binh khí “đặc dị”.

Cách truyền bá văn hóa Việt


Trong rất nhiều các môn phái trong hệ thống võ cổ truyền Bình Định, có không ít các dòng võ phái được phát triển trên đất nước hình chữ S và tại Bình Định từ phong trào phản Thanh phục Minh ở bên kia biên giới phía Bắc. Tuy vậy, cho đến nay, tất cả đều là võ Việt qua sức hút và giao thoa văn hóa, sau phong trào nông dân khởi nghĩa Tây Sơn, hình tượng vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã trở nên bất tử, là đại diện kiệt xuất nhất cho tinh hoa võ cổ truyền Bình Định. Hầu hết các võ sư, chưởng môn các môn phái võ Việt trên khắp thế giới đều đồng tình chọn Nguyễn Huệ là tổ sư của võ cổ truyền Bình Định. Một hệ thống võ học cần có sáng tổ để có định hướng phát triển nhờ nền tảng lý thuyết khoa học.

Để đưa văn hóa dân tộc đến với bạn bè quốc tế không cách nào hiệu quả hơn chính bạn bè đến tận ngọn nguồn văn hóa để tìm hiểu. Võ cổ truyền Bình Định đang như thế, hàng triệu người trên thế giới đang học võ Bình Định và hàng ngàn người cứ 2 năm một lần vào đầu tháng 8 lại trở về nguồn cội đi tìm sự tinh túy, cốt cách văn hóa của người Bình Định và người Việt qua võ thuật. Ba lần liên hoan trước, việc giao lưu tại các lò võ, võ đường chỉ có biểu diễn võ thuật mà chưa chú trọng đến chiều sâu văn hóa võ học.

Trong lịch sử, thời gian đất nước ta bị đô hộ, luyện võ là điều bị cấm, nhưng lớp lớp người Việt và người Bình Định đã gìn giữ tinh túy võ học trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Từ đó, đã làm nên những chiến tích vĩ đại, đánh bại hết quân xâm lược này đến bọn xâm lăng khác. Người luyện võ cũng là để khai phá chính mình, nâng mình lên cao hơn trong cách nghĩ, cách sống.

Người xưa nói rằng, “Việt Nam (hay Bình Định) võ gia ngũ luyện pháp”, tức là nhà nhà người Việt đều luyện võ bằng 5 phương pháp “Phong dạ đăng sơn (buổi tối trời gió lên núi để luyện)/Hắc dạ đả quyền (buổi tối luyện đánh quyền)/Nguyệt dạ luyện kiếm (đêm trăng luyện kiếm)/Vũ dạ cán binh (đêm mưa thì độc kinh)/Trí dạ tọa tĩnh (dùng trí để tĩnh thiền).”

Hầu hết các võ sư đều cho rằng, cách truyền bá võ Bình Định cũng theo những nguyên tắc trên. Bên cạnh các hoạt động sôi nổi về văn hóa, võ thuật, có thể bạn bè Âu, Phi… sẽ rất thích thú hằng đêm ngồi trên đất, bên lũy tre làng nghe các bậc trưởng lão làng võ nói về chuyện xưa, xem cách luyện võ của của cha, ông ta… Cách luyện võ đó cũng chính là cách tu mình để đạt được trí tuệ ánh minh, võ công chói ngời nhưng vẫn ẩn trong sâu thẳm những con người hiền hậu, chân chất./.

Ly Kha (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục