Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, ngày 18/9, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức Hội thảo “Đô thị Hà Nội, 60 năm xây dựng và phát triển 1954-2014.”
Hội thảo tập trung thảo luận vào việc thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 và Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội không chỉ là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia mà còn là một đô thị lớn, phát triển theo hướng đa hệ, bản sắc, văn minh và hiện đại.
Thời gian qua, nhiều khu đô thị mới được hình thành, nhiều trung tâm thương mại, các công trình văn hóa lớn và các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện đại đã được cải tạo và xây dựng mới theo quy hoạch tạo vóc dáng Thủ đô ngày càng hiện đại.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức giữa bảo tồn và phát triển, giữa bản sắc và tiên tiến, giữa kinh tế xã hội và đô thị… nên rất cần có một quy hoạch tổng thể nhằm giải quyết các mâu thẫu để Thủ đô ngày càng phát triển. Mặt khác, thành phố luôn lắng nghe các ý kiến đóng góp, phản biện của các kiến trúc sư về vấn đề quy hoạch.
Đề cập đến việc Hà Nội sau khi mở rộng hành chính, ông Lê Vinh, Viện trưởng Viện Quy hoạch Hà Nội đánh giá, Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, một số quy hoạch chuyên ngành trước đây chưa từng có, nay đã được triển khai... phục vụ các mục tiêu phát triển không gian dựa trên kết nối các yếu tố tự nhiên như hệ thống sông hồ, đa dạng sinh học và văn hóa truyền thống, làng xóm, làng nghề hiện hữu. Trong đó, hành lang xanh được thiết lập ngăn cách và hạn chế sự phát triển lan tỏa của các khu vực đô thị, bảo tồn các vùng nông nghiệp nông thôn đảm bảo sự cân bằng và phát triển bền vững.
Trước thực trạng một số quận huyện, khu vực của thành phố chưa tuân thủ các quy hoạch, dẫn đến phá vỡ cảnh quan, làm mất đi vẻ đẹp đặc trưng của vùng miền, kiến trúc sư Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Hà Nội nêu ý kiến: “Mỗi giải pháp quy hoạch, từng bản thiết kế công trình, những hạng mục kỹ thuật đô thị... được đưa ra đều không được làm lu mờ, che khuất, hay biến dạng xáo trộn những không gian đặc thù đó.”
Cùng chung quan điểm, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội còn nhấn mạnh đến yếu tố bảo tồn, tái thiết nội đô Hà Nội trong quá trình phát triển mở rộng Thủ đô.
Ngoài ra, tại hội thảo, các chuyên gia, kiến trúc sư có uy tín cũng đóng góp các ý kiến xác thực về lĩnh vực quy hoạch xây dựng đô thị, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong quy hoạch của Thủ đô./.