Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc về công nghệ xanh được diễn ra chiều nay (7/5), chuyên gia cho rằng, cơ hội đầu tư vào xử lý môi trường ở Việt Nam là rất lớn. Đưa ra bức tranh về môi trường hiện nay, ông Đặng Văn Lợi, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường), lượng nước thải các loại chưa được xử lý lên tới 1,5 tỷ m3, trong đó nước thải các khu đô thị và khu công nghiệp khoảng 1 tỷ m3. “Mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội thải hơn 260.000 m3 nước thải công nghiệp. Mội ngày hệ thống sông Đồng Nai phải tiếp nhận khoảng 1,5 triệu m3 nước thải công nghiệp,” ông nhấn mạnh. Ông Lợi cũng cho biết thêm, có khoảng 30% cơ sở sản xuất công nghiệp (chủ yếu là các cơ sở sản xuất vừa và lớn) có trạm xử lý nước thải nhưng hầu hết cơ sở vận hành chưa đạt tiêu chuẩn hoặc không vận hành thường xuyên. Hiện có khoảng 90% doanh nghiệp trong tổng số 500 doanh nghiệp sản xuất giấy trong cả nước không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không đạt yêu cầu. Về rác thải, tổng lượng chất thải rắn phát sinh ở các đô thị khoảng gần 30.000 tấn/ ngày nhưng tỷ lệ thu gom và xử lý chỉ đạt 83%. Ở nông thôn là hơn 30.000 tấn/ ngày nhưng tỷ lệ thu gom chỉ đạt 50-60% có nơi chỉ 20-30%. Theo ông Lợi, xử lý rác thải ở Việt Nam chủ yếu vẫn là công nghệ chôn lấp (80-85%) nhưng chôn lấp hợp vệ sinh chỉ đạt khoảng 15-20%. Hiện có 20 dự án xử lý rác thành các sản phẩm tái chế nhưng quy mô nhỏ và khó tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị được xử lý, tái chế chỉ đạt 15%. Hiện ngành y tế có hơn 11.600 cơ sở khám chữa bệnh với tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 350 tấn/ngày, trong đó có hơn 40 tấn/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại. Về khí thải công nghiệp, ô nhiễm không khí do khí thải công nghiệp gây ra chủ yếu là bụi, hầu hết vượt giới hạn cho phép. Trong đó, một số nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng vượt tiêu chuẩn ừ 20 đến 435 lần... Vị chuyên gia này cũng cho hay, công nghệ xử lý chất thải của Việt Nam tự thiết kế và chế tạo hiện nay đã tương đối đủ các loại hình để xử lý chất thải rắn, nước và khí thải. Tuy nhiên, công nghệ tái chế chất thải chủ yếu vẫn lạc hậu, thủ công nên hiệu quả còn thấp. “Trong khi đó, nhu cầu đầu tư cho bảo vệ môi trường ở 16 ngành và lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam có thể lên tới hơn 7,6 tỷ USD. Ví dụ như thép là 800 triệu USD, dệt may là 326 triệu USD…,” ông Lợi cho biết. Về tình trạng sản xuất thiết bị, công nghệ của Việt Nam hiện còn đơn chiếc, chưa có sản xuất chế tạo hàng loạt, và chưa hình thành ngành công nghiệp môi trường. Trong khi đó, Việt Nam rất quan tâm đến các chính sách phát triển công nghệ môi trường. Nhà nước đã có các quy định về ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn, miễn giảm thuế, phí đối với hoạt động môi trường; trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường… Tại “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường đến 2015, tầm nhìn 2025” cũng nêu rõ, nhà nước sẽ hỗ trợ thông qua tín dụng để phát triển ngành công nghiệp môi trường, khuyến khích các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp này. Bởi vậy, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc về công nghệ xanh là cơ hội cho các doanh nghiệp 2 nước tiếp cận, chia sẻ thông tin về nhu cầu và tình hình thực hiện hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Minh Quang cho rằng, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, một trong những giải pháp quan trọng chính là hợp tác quốc tế. “Hàn Quốc đã từng đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường. Các nhà quản lý, doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực môi trường có rất nhiều kinh nghiệm trong khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường, phát triển công nghệ xanh… Do đó, diễn đàn là cơ hội tốt để các nhà quản lý, doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam,” ông Quang nhận định. Bà Yoo Young Sook, Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc thì cho hay, từ năm 2000 hai nước đã tổ chức nhiều hội đàm, đẩy mạnh hợp tác về bảo vệ môi trường như nước sạch, làm sạch thổ nhưỡng, công nghệ môi trường… Còn đại diện của Quỹ hợp tác Phát triển Kinh tế (ODA Hàn Quốc) thì nói, đơn vị này đã phê duyệt nhiều dự án môi trường của nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam chiếm vị trí cao nhất với 40 dự án. Về lãi suất, doanh nghiệp vay vốn sẽ được linh hoạt từ 0,01 đến 2,5%, có bảo lãnh của Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước. Thời gian trả nợ đến 40 năm và ân hạn 15 năm. Tổ chức này cũng sẽ áp dụng giảm mức lãi suất cơ bản 0,05- 0,5% so với mức thông thường đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên như phát triển xanh, nông nghiệp, cứu trợ khẩn cấp, sử dụng tư vấn Hàn Quốc. Thậm chí, trường hợp sử dụng tư vấn Hàn Quốc sẽ áp dụng lãi suất bằng không. Rõ ràng, với những ưu đãi của Nhà nước cũng như sự sẵn sàng về mặt công nghệ, nguồn vốn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với những thách thức không nhỏ về môi trường, đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp có ý định đầu tư vào lĩnh vực nhiều ý nghĩa này./.
Tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc về công nghệ xanh 2012 ngoài các quan chức hai nước còn có 50 doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và 200 đại biểu từ các cơ quan quản lý môi trường địa phương và doanh nghiệp việt Nam. Tại diễn đàn, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã giới thiệu một số công nghệ xử lý nước thải, chất thải đang được sử dụng tại xứ sở kim chi. Diễn đàn do Tổng cục Môi trường, Trung tâm hợp tác môi trường Việt-Hàn, Viện Công nghệ và Kỹ thuật Môi trường Hàn Quốc tổ chức. |
Trung Hiền (Vietnam+)