Bất động sản TP.HCM: Diễn biến trái chiều

Theo số liệu từ các sàn giao dịch bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, trong hai tháng gần đây, trong khi đất nền dự án có dấu hiệu tăng cả về giá và lượng giao dịch thì phân khúc căn hộ vẫn giữ nguyên, giao dịch ở mức thấp.

Theo số liệu từ các sàn giao dịch bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, trong hai tháng gần đây, trong khi đất nền dự án có dấu hiệu tăng cả về giá và lượng giao dịch thì phân khúc căn hộ vẫn giữ nguyên, giao dịch ở mức thấp.

Thị trường nóng trở lại

Trái với nhiều dự đoán trước đây, thay vì giá đất nền dự án đứng yên hoặc có khuynh hướng giảm tiếp thì trong tháng 5, giá đất nền tại khu nam và khu đông Thành phố Hồ Chí Minh đều tăng trung bình 5% so với tháng 4, thậm chí có nhiều dự án tăng đến 30%.

Dự án Bắc Rạch Chiếc, Nam Long (quận 9) sau khi chạm đáy 9,5 triệu đồng/m2 cách đây vài tháng, giờ đây đã tăng lên từ 13 - 14 triệu đồng/m2. Tại khu vực quận 2, giá đất ở hai phường Thạnh Mỹ Lợi và Bình Trưng Đông có nhiều biến động, từ khu Bình Trưng Đông, Cát Lái đến dự án Thế Kỷ 21, Văn Minh… đều tăng 0,5-1 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, tăng giá mạnh nhất vẫn là đất nền, biệt thự ở khu nam. Tiêu biểu là dự án đất nền Trung Sơn, mặt tiền đường Nguyễn Văn Cừ có thời điểm chỉ 50 triệu đồng/m2 nhưng nay đã tăng lên 70 triệu đồng/m2. Đà tăng giá cũng đã lan tỏa đến các dự án khác như Him Lam-Kênh Tẻ, Tân An Huy...

Không chỉ những dự án vốn được giới lướt sóng bất động sản đánh giá cao tăng giá, mà ngay cả đất nền trong những dự án “kém hấp dẫn” như Phú Xuân giai đoạn 2, Thái Sơn 1, 2, làng Đại Học (Nhà Bè), khu 13ha của Intresco (Bình Chánh), nền của Công ty Chợ Lớn ở phường Phú Mỹ (quận 7), giá cũng tăng từ 1 đến 2 triệu đồng/m2.

Riêng thị trường căn hộ cao cấp vẫn không thay đổi trong hai tháng qua, và có thể giá sẽ giảm nhẹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bất động sản uy tín như Phú Mỹ Hưng, Him Lam, Sunrise... vẫn tiếp tục chuẩn bị tung ra nhiều sản phẩm căn hộ cao cấp trong thời gian tới.

Theo ông Richard Leech, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn bất động sản CBRE, ngày càng có nhiều người quan tâm đến các công trình căn hộ có chất lượng, nên thời điểm này đầu tư căn hộ sẽ là lý tưởng nhất. Thị trường bất động sản Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, nhất là các dự án được đầu tư bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế và có chiến lược tiếp thị cụ thể. Mảng thị trường này sẽ tiếp tục phát triển mạnh khi các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài cạnh tranh xây dựng các dự án với chất lượng cao.

Nguyên nhân của đợt tăng giá này được lý giải từ hạ tầng giao thông thuận lợi (thông xe cầu Nguyễn Văn Cừ nối quận 1, 4, 5, hợp long cầu Phú Mỹ), bên cạnh đó so với thời điểm bất động sản sốt thì giá nhà đất hiện nay đã giảm gần 50%. Với người có nhu cầu mua ở thì đây là cơ hội tốt vì ở một số khu vực giá đất nền, căn hộ đã trở về với giá trị thật.

Kịch bản cũ liệu có lặp lại

Một số ý kiến cho rằng việc giá đất dự án nóng lên sẽ hình thành một mặt bằng giá mới. Sự ấm lên của giá đất dự án không phải chờ đến khi xuất hiện làn sóng chuyển dòng đầu tư từ chứng khoán, mà nó đã xuất hiện từ khi có chính sách kích cầu. Cụ thể làn sóng tăng giá nền đất dự án ở hai khu vực nam Sài Gòn và đông Sài Gòn bắt đầu hình thành trong tháng 3/2009.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia bất động sản, thị trường đang lặp lại kịch bản cũ, chứng khoán sốt, kéo theo giá nhà đất tăng. Một khi sự lạc quan của hai thị trường chủ lực thu hút vốn đầu tư này cộng hưởng với nhau thì giá nhà đất và chứng khoán sẽ tăng. Dù thị trường bất động sản đang có những tín hiệu vui, nhưng vẫn chưa thật sự tạo được sự tin tưởng của giới đầu tư.

Trong khi đó, nhiều người lại lạc quan rằng dù chứng khoán có khởi sắc nhưng chắc chắn sẽ không lặp lại kịch bản cũ. Tâm lý an toàn đã khiến cho một phần tiền chốt lời của thị trường chứng khoán vừa qua sẽ được chuyển qua bất động sản làm điểm "trú chân" vì lãi suất ngân hàng không còn hấp dẫn như trước, mua vàng thì rủi ro cao. Tuy nhiên thị trường bất động sản sẽ ít khả năng có những đợt sốt như cuối năm 2007./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục