Bất ngờ với bí mật ẩn bên dưới 'hành tinh lùn' Ceres​

Kết quả nghiên cứu mới được NASA công bố cho thấy trái với nhận định là một khối đá khô cằn, Ceres là một "thế giới đại dương" với các hồ chứa nước biển bên dưới bề mặt.
Bất ngờ với bí mật ẩn bên dưới 'hành tinh lùn' Ceres​ ảnh 1Hành tinh lùn Ceres. (Ảnh: National Geographic)

Từ trước tới nay, giới khoa học luôn cho rằng hành tinh lùn Ceres là một khối đá không gian cằn cỗi. Thế nhưng, kết quả một nghiên cứu mới được Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) công bố ngày 10/8 lại cho thấy Ceres là một "thế giới đại dương" với các hồ chứa nước biển bên dưới bề mặt của hành tinh này.

Ceres là thiên thể lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc, cho phép tàu thăm dò vũ trụ Dawn của NASA chụp được những hình ảnh có độ phân giải cao về bề mặt của hành tinh này.

Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học từ Mỹ và châu Âu đã phân tích những tấm ảnh chuyển từ tàu Dawn về Trái Đất, trong đó tập trung quan sát miệng núi lửa Occator 20 triệu năm tuổi. Bằng cách sử dụng hình ảnh hồng ngoại mà tàu thăm dò chụp được ở độ cao khoảng 35 km so với bề mặt thiên thể, nhóm nghiên cứu đã xác định rằng có một "hồ rộng" chứa nước biển bên dưới bề mặt của Occator, đồng thời phát hiện sự hiện diện của hydrohalite - hợp chất phổ biến có trong băng biển nhưng trước đây chỉ được quan sát thấy trên Trái Đất.

[SpaceX phóng thử thành công nguyên mẫu tên lửa đưa người lên sao Hỏa]

Một số nghiên cứu được công bố ngày 10/8 trên các tạp chí Nature Astronomy, Nature Geoscience và Nature Communications cũng làm sáng tỏ thêm nhiều bí ẩn về Ceres - hành tinh được nhà khoa học người Italy Giuseppe Piazzi phát hiện vào năm 1801.

Nhà thiên văn học Maria Cristina De Sanctis thuộc Viện Vật lý thiên văn quốc gia Italy nêu rõ: "Bây giờ chúng ta có thể nói rằng Ceres là một thế giới đại dương với các hồ chứa nước biển bên dưới bề mặt của nó, cũng như một số mặt trăng của sao Thổ và sao Mộc. Hydrohalite là dấu hiệu rõ ràng cho thấy hành tinh lùn này chứa nước".

Theo nhóm nghiên cứu, các mỏ muối trên bề mặt hành tinh lùn Ceres trông giống như chúng được tích tụ trong vòng hai triệu năm qua. Điều này cho thấy nước biển vẫn có thể được đẩy lên từ bên trong hành tinh. Phân tích những hình ảnh của miệng núi lửa Occator, các nhà khoa học cũng phát hiện các gò và đồi trên hành tinh Ceres có thể hình thành khi nước phun trào - do tác động va chạm thiên thạch - và sau đó đóng băng trên bề mặt.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát hiện mới này, nhà thiên văn học Maria Cristina De Sanctis cho biết: "Những khoáng chất được tìm thấy trên Ceres như hydrohalite cực kỳ quan trọng về mặt sinh học thiên văn. Chúng cần thiết cho sự xuất hiện của sự sống"./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục