Bầu cử Australia 2022: Lãnh đạo Công đảng giành ưu thế

Ông Anthony Albanese đã giành được sự ủng hộ của 40% trong số 100 cử tri còn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho bên nào tham dự buổi tranh luận, trong khi Thủ tướng Morrison thuyết phục được 35%.
Bầu cử Australia 2022: Lãnh đạo Công đảng giành ưu thế ảnh 1Cuộc tranh luận đầu tiên giữa Thủ tướng đương nhiệm, lãnh đạo đảng Tự do, Scott Morrison và lãnh đạo Công đảng Anthony Albanese.(Nguồn:Skybase)

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, cuộc tranh luận đầu tiên giữa Thủ tướng đương nhiệm, lãnh đạo đảng Tự do, Scott Morrison và lãnh đạo Công đảng Anthony Albanese được truyền hình trực tiếp tối 20/4 đã kết thúc với ưu thế nghiêng về phía lãnh đạo Công đảng.

Cuộc tranh luận diễn ra sau 10 ngày đầu tiên đầy thử thách của chiến dịch tranh cử hướng tới cuộc bầu cử Quốc hội liên bang Australia vào cuối tháng 5 tới.

Ông Albanese đã giành được sự ủng hộ của 40% trong số 100 cử tri còn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho bên nào tham dự buổi tranh luận, trong khi Thủ tướng Morrison thuyết phục được 35% cử tri ủng hộ ông có thêm một nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước. Số cử tri còn lại, 25%, vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng sau cuộc tranh luận.

Tại buổi tranh luận, hai nhà lãnh đạo tập trung vào các vấn đề đối nội đang được cử tri quan tâm như phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, chi phí sinh hoạt và khả năng chi trả nhà ở, trong bối cảnh lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến các hộ gia đình Australia và các vấn đề an sinh xã hội.

Sự khác biệt rõ ràng nhất về chính sách giữa hai nhà lãnh đạo là việc thành lập một ủy ban phòng chống tham nhũng quốc gia.

[Bầu cử Australia: Công đảng vẫn được cử tri ủng hộ cao hơn liên đảng]

Ông Morrison, người đã bác bỏ đề xuất thành lập ủy ban như vậy vào tuần trước, cho biết ông không hài lòng cách mà ủy ban này đã hoạt động ở bang New South Wales và chính phủ của ông sẵn sàng đưa ra mô hình tổ chức phòng chống tham nhũng mới với phạm vi quyền hạn rộng hơn.

Trong khi đó, ông Albanese cho biết ông muốn có một ủy ban với “quyền hạn thực sự” có thể tiến hành các hoạt động điều tra độc lập với chính phủ và có quyền tổ chức các phiên điều trần công khai.

Bên cạnh các vấn đề còn nhiều tranh cãi, nhìn chung hai nhà lãnh đạo khá thống nhất về các chính sách an ninh biên giới, nhà ở, an sinh xã hội đối với người già, người tàn tật,

Cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh Australia đối mặt với viễn cảnh một “Quốc hội treo,” tức là không có đảng nào giành đủ đa số ghế cần thiết để tự thành lập chính phủ, khi các cuộc thăm dò dư luận được công bố cho thấy cả hai đảng lớn chỉ nhận được sự ủng hộ của khoảng 35% cử tri mỗi đảng. Số cử tri còn lại cho biết sẽ bỏ phiếu cho các đảng nhỏ hay ứng cử viên độc lập.

Để có quyền thành lập chính phủ, liên đảng Tự do - Quốc gia hay Công đảng cần giành được ít nhất 76 ghế trong Hạ viện có tổng số 151 ghế. Lãnh đạo đảng giành được quyền thành lập chính phủ sẽ trở thành Thủ tướng mới của Australia.

Từ nay đến ngày bầu cử, lãnh đạo 2 đảng lớn nhất ở Australia sẽ còn 4 tuần vận động tranh cử và 2 cuộc tranh luận trực tiếp nữa để cử tri có thể đưa ra quyết định cuối cùng trong việc chọn ra người lãnh đạo đất nước tốt nhất trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch và căng thẳng địa - chính trị ngày càng gia tăng trong khu vực và trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục