Bầu cử Đức: Liệu ông Armin Laschet có thể xoay chuyển tình thế?

Ứng cử viên thủ tướng Armin Laschet đang có kết quả không tốt trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử. Nhưng về mặt lý thuyết, xu hướng này vẫn có thể đảo ngược, phụ thuộc nhóm cử tri nhất định.
Bầu cử Đức: Liệu ông Armin Laschet có thể xoay chuyển tình thế? ảnh 1Ông Armin Laschet. (Nguồn: Reuters)

Báo Die Zeit (Thời đại) của Đức đã đăng bài bình luận về cuộc bầu cử quốc hội tới đây tại Đức, nội dung chính như sau:

Ứng cử viên thủ tướng Armin Laschet của liên đảng bảo thủ Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) đang có kết quả không tốt trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử. Nhưng về mặt lý thuyết, xu hướng hiện nay vẫn có thể đảo ngược. Điều này hiện phụ thuộc vào một nhóm cử tri nhất định.

Vẫn còn 11 ngày nữa mới đến ngày diễn ra cuộc bầu cử quốc hội ở Đức. Liệu cử tri đã quyết định lựa chọn ứng viên của mình hay chưa? Từ đầu tháng 8 đến nay, xu hướng lựa chọn khá ổn định: đảng Dân chủ xã hội (SPD) và ứng cử viên hàng đầu của đảng này là ông Olaf Scholz đã luôn dẫn đầu trong các cuộc khảo sát và xếp hạng ứng viên yêu thích. Ngược lại, đảng CDU trên đà suy giảm. Ứng cử viên Armin Laschet của đảng này nhiều lần bị cho là người thua cuộc, mặc dù cuộc bầu cử chưa diễn ra.

Cuộc tranh luận lần thứ hai trên truyền hình hôm 12/9 đã xác nhận lại ấn tượng này. Ứng cử viên của CDU rất nỗ lực, trình bày hết đề xuất này đến đề xuất khác, tấn công mạnh mẽ ứng viên của đảng SPD. Nhưng các cử tri đã đưa ra nhận định của họ.

Trong các cuộc thăm dò nhanh sau buổi tranh luận, ông Laschet hoàn toàn bị lép vế. Giá trị hình ảnh của ông ở mức tệ hại, tệ hại hơn những gì chúng từng được đo lường đối với một ứng cử viên thủ tướng hàng đầu.

Còn ứng viên Annalena Baerbock của đảng Xanh thì sao? Hầu như không có thêm cử tri nào mong đợi bà sẽ trở thành nữ Thủ tướng mới ngoài các cử tri của đảng Xanh. Sau thời gian nổi trội ban đầu, giá trị hình ảnh bà Annalena Baerbock đã sụp đổ một cách tự nhiên và giờ đây đã rơi xuống mức rất thấp. Liệu vị nữ Chủ tịch đảng Xanh này có trở lại vị trí dẫn đầu một lần nữa? Thật khó có thể nghĩ tới điều này.

Hiệu ứng đám đông

Khoa học chính trị gọi hiện tượng đang xảy ra hiện nay là "hiệu ứng đám đông." Các cử tri có xu hướng tập hợp lại phía sau bất kỳ ứng cử viên nào họ cho rằng sẽ thắng cử. Họ muốn ở bên những người chiến thắng. Nói một cách kém hoa mỹ hơn, đó là "hiệu ứng ăn theo" hay "bản năng bầy đàn."

Nhưng xu hướng này ổn định đến mức nào? Người Đức đã cam kết lựa chọn người lãnh đạo của mình trong bốn năm tới chưa? Chuyên gia thăm dò dư luận Manfred Güllner, Chủ tịch Viện Forsa (Đức) đã xác nhận "hiệu ứng Scholz."

Ứng viên của đảng SPD này được cho là được yêu thích và có năng lực hơn nhiều so với hai người kia. Và những người được hỏi đang ủng hộ ông Scholz tương đối chắc chắn về sự lựa chọn của họ.

Nhưng theo chuyên gia Güllner, tỷ lệ ủng hộ SPD hầu như đã đạt đến giới hạn của nó; kết quả bầu cử chính thức của SPD có thể sẽ không tăng cao hơn nhiều so tỷ lệ ủng hộ hiện tại trong các cuộc thăm dò dư luận.

[Đức: Thủ tướng Merkel huy động sự ủng hộ cho ứng cử viên Laschet]

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ tiềm năng của đảng CDU rõ ràng cao hơn. Điều này hoàn toàn không gây ngạc nhiên vì nó vẫn ổn định ở mức hơn 35% trong các cuộc khảo sát hồi tháng 1/2021.

"Cực kỳ thất vọng" về ông Laschet

Chuyên gia Güllner cho rằng, tất nhiên những người ủng hộ liên đảng bảo thủ hiện "cực kỳ thất vọng" về ứng viên Laschet. Trong khi đó, Chủ tịch CSU Markus Söder lại có giá trị hình ảnh tốt hơn nhiều. Chuyên gia Güllner khẳng định chắc chắn, nếu Chủ tịch CSU là ứng viên thủ tướng, liên đảng bảo thủ sẽ giành được hơn 30% số phiếu ủng hộ.

Với ứng viên Olaf Scholz và đảng SPD của ông, tỷ lệ cử tri ủng hộ bỏ phiếu qua bưu điện khá cao. Ngày nay có nhiều người lựa chọn hình thức bỏ phiếu này hơn so với trước đây và họ đã hoặc đang bỏ phiếu trong giai đoạn "hiệu ứng tích cực" của ông Olaf Scholz.

Với những cử tri bỏ phiếu qua bưu điện như vậy, những nỗ lực cuối cùng của ứng viên Laschet như chương trình hành động khẩn cấp hậu bầu cử, hình thành nhóm chuyên gia cố vấn chính sách nhiều kinh nghiệm, nỗ lực trong các cuộc tranh luận… đã là quá muộn.

Vai trò lớn của những cử tri lưỡng lự

Nhưng ông Laschet và liên đảng CDU/CSU vẫn còn hy vọng do tỷ lệ cử tri chưa đưa ra quyết định là rất lớn. Khoảng 40% những người được khảo sát cho biết họ chưa chắc chắn sẽ bầu cho đảng nào. Trong số này có rất nhiều cử tri tiềm năng của CDU/CSU. Ông Laschet cần dựa vào họ. Ông cố gắng tác động tới họ bằng cách làm mất uy tín của ông Scholz trong cuộc tranh luận hoặc bằng cách đưa ra cảnh báo về một chính phủ liên minh Đỏ-Xanh-Đỏ (SPD - đảng Xanh - đảng Cánh tả).

Chiến lược này của Laschet và liên đảng CDU/CSU không nằm ngoài dự đoán, vì đặc trưng của cuộc bầu cử này là tính biến động (về mặt cảm xúc). Năm 2021 được đánh dấu bởi những thay đổi lớn về tâm trạng của cử tri và điều này đôi khi xảy ra một cách đột ngột.

Đầu tiên, đảng Xanh và ứng viên của đảng này nhận được sự ủng hộ cao lịch sử trong các cuộc thăm dò, nhưng không lâu sau đó họ lại rơi xuống mức rất thấp. Đầu tháng 7/2021, CDU/CSU vẫn đang dẫn trước SPD 15% và gần như mạnh gấp đôi so với SPD, nhưng hiện tại tỷ lệ ủng hộ SPD đã vượt hẳn so với CDU/CSU. Đảng Dân chủ tự do (FDP) cũng có bước nhảy vọt trong năm nay. Theo chuyên gia Güllner, biên độ biến động lớn như vậy là rất mới.

Vì vậy, liệu một hiệu ứng như cuộc bầu cử tại bang Sachsen-Anhalt hồi tháng 6 vừa qua có thể lặp lại trong cuộc bầu cử liên bang lần này? Trong cuộc bầu cử cấp bang tại bang Sachsen-Anhalt vừa qua, các cuộc thăm dò dư luận ngay trước cuộc bầu cử cho thấy tỷ lệ ủng hộ đảng CDU và đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) gần như ngang nhau.

Cuối cùng, để ngăn AfD giành chiến thắng, nhiều cử tri, trong đó có cả những người ủng hộ đảng Cánh tả, đã chuyển sang ủng hộ đảng CDU khiến kết quả bầu chọn của đảng này tăng vọt so với đảng AfD. Điều đó cho thấy bản thân các cuộc thăm dò cũng có những ảnh hưởng nhất định đến kết quả của cuộc bầu cử.

Cuộc bầu cử điển hình năm 2005

Tất nhiên không thể hoàn toàn so sánh cuộc bầu cử tại bang Sachsen-Anhalt với bầu cử liên bang được. Trường hợp đảng AfD nhận được sự ủng hộ lớn như tại bang này chỉ là ngoại lệ.

Tuy nhiên, không loại trừ việc các cuộc thăm dò có thể mang đến tác động xấu nào đó cho CDU/CSU. Nhiều người ủng hộ tiềm năng của liên đảng này thì cho rằng thực tế sẽ không tệ như trong các cuộc khảo sát.

Trước đây cũng có những cuộc bầu cử liên bang tại Đức, trong đó tâm trạng cử tri thay đổi nhanh chóng trong vòng 14 ngày cuối cùng trước bầu cử, điển hình là cuộc bầu cử năm 2005.

Trong cuộc bầu cử dưới thời cựu Thủ tướng Gerhard Schröder này, đảng SPD đã rút ngắn khoảng cách dẫn đầu của liên đảng CDU/CSU từ 13% xuống chỉ còn 1% trong vòng nửa tháng trước cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, cuối cùng Gerhard Schröder vẫn phải thừa nhận thất bại trước ứng cử viên không mấy tên tuổi khi đó của CDU/CSU- Angela Merkel. Việc SPD gần bắt kịp CDU/CSU khi đó phần lớn do sự nổi tiếng và sự tranh đấu của Schröder. Ông đã chiến đấu mạnh mẽ và đưa ra nhiều cảnh báo, qua đó bác bỏ kết quả của tất cả các cuộc thăm dò dư luận.

Làm theo Schröder, chống lại xu hướng hiện tại, đó sẽ là con đường cuối cùng của ông Laschet. Chỉ khác với cựu Thủ tướng của đảng SPD thời điểm đó là việc ông Laschet hiện nay không phải là một nhân vật quá nổi tiếng.

Sự thay đổi tâm trạng hiện nay là rất rõ - và chủ yếu theo hướng chống lại liên đảng CDU/CSU của ông Laschet. Chương trình tranh cử của liên đảng dường như không tạo được nhiều tác dụng tốt.

Kịch bản liên minh "Đèn giao thông" (gồm đảng SPD, đảng Xanh và đảng FDP) - một liên minh không có CDU và CSU - đang được coi là sự lựa chọn phổ biến nhất hiện nay. Điều này sẽ thực sự khó khăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục