Các đảng phái chính trị tại Hà Lan đang ráo riết vận động cử tri khi chỉ còn khoảng 2 tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 15/3 tới.
Theo kết quả thăm dò mới nhất, đảng "Vì tự do" (PVV) do ông Geert Wilders làm thủ lĩnh hiện đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất của cử tri với 17% tỷ lệ ủng hộ.
Bám sát sau đó là đảng Tự do (VVD) của Thủ tướng Mark Rutt với tỷ lệ ủng hộ là 16%.
Ông Geert Wilders là một nhân vật có tư tưởng bài Hồi giáo và chống Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu khi phát động chiến dịch vận động tranh cử hôm 25/2, ông tuyên bố cấm người nhập cư Hồi giáo và đóng cửa tất cả các thánh đường trên khắp cả nước Hà Lan. Do đó, theo đánh giá của giới phân tích, ngay cả khi PVV giành chiến thắng, ông Wilders khó có thể tìm được một liên minh để thành lập chính phủ mới.
Trong khi đó, trên cương vị Thủ tướng Hà Lan với 6 năm nắm quyền kiểm soát 2 chính phủ liên minh, ông Rutt đang được xem là nhân vật có lợi thế khi chính sách kinh tế của ông đã góp phần thúc đẩy kinh tế Hà Lan phát triển.
Tuy nhiên, ông Rutt đang chống đỡ với những thách thức từ đối thủ Wilders. Ông Rutt cam kết bảo đảm sự an toàn và bền vững của đất nước thông qua nỗ lực chung tái cơ cấu EU và hỗ trợ để Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hoạt động hiệu quả hơn.
Sau sự kiện Anh rời khỏi EU và chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cuộc bầu cử ở Hà Lan được coi là phép thử đối với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại châu Âu, và kết quả của nó được cho là sẽ tác động tới một loạt các cuộc bầu cử ở "lục địa già" trong năm nay, như cuộc bầu cử ở Pháp và Đức.
Có 28 chính đảng cử đại diện tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội Hà Lan lần này để bầu ra 150 ghế Hạ viện.
Trong bối cảnh tình hình chính trị chia rẽ trong nước, điều cử tri Hà Lan quan tâm nhất là tìm ra người có khả năng liên kết các chính đảng để thành lập chính phủ mới mà theo dự báo của các nhà phân tích, nỗ lực thành lập chính phủ mới ở Hà Lan cần tới sự tham gia của 5 chính đảng./.