Ngày 16/3, ông Geert Wilders, thủ lĩnh đảng Vì tự do (PVV) chủ trương bài Hồi giáo đã chúc mừng Thủ tướng Mark Rutte giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa diễn ra, đồng thời để ngỏ khả năng hợp tác với chính phủ mới của Hà Lan.
Phát biểu trước báo giới bên ngoài tòa nhà Quốc hội, ông Wilders tuyên bố PVV sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới của Hà Lan nếu được yêu cầu.
Tuy nhiên, ông khẳng định kể cả khi chính phủ mới không có sự tham gia của PVV, đảng này cũng sẽ ủng hộ Nội các trong việc giải quyết những vấn đề trọng yếu có liên quan đến PVV.
Hãng thông tấn nhà nước ANP của Hà Lan dẫn kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy với 55% số phiếu đã kiểm, đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) của đương kim Thủ tướng Mark Rutte giành vị trí số 1 khi được 32/150 ghế Quốc hội, giảm 9 ghế so với cuộc bầu cử năm 2012.
Trong khi đó, PVV cùng với hai đảng Những người Dân chủ Thiên chúa giáo (CDA) và Những người Dân chủ 66 (D66) cùng đứng vị trí thứ 2 khi giành được 19 ghế tại Quốc hội. Việc kiểm phiếu được thực hiện hoàn toàn bằng tay và kết quả chính thức sẽ được Hội đồng bầu cử công bố vào ngày 21/3 tới.
Chính phủ mới của Hà Lan để thành lập liên minh cần sự tham gia của 4 đến 5 đảng phái nhằm hội đủ đa số phiếu tuyệt đối, ít nhất 76/150 ghế Quốc hội. Dựa trên số ghế mà các đảng giành được, liên minh cầm quyền được dự đoán sẽ bao gồm đảng VVD của đương kim Thủ tướng Mark Rutte, đảng Lời kêu gọi dân chủ Thiên chúa giáo, đảng Dân chủ 66 và đảng cánh tả xanh (Groenlinks). Ý thức được tầm quan trọng của sự kiện lần này, đông đảo người dân Hà Lan đã tham gia bầu cử. Đương kim Thủ tướng Mark Rutte đánh giá với báo giới rằng đây là một cuộc bầu cử cực kỳ quan trọng.
Ông Rutte cho rằng đây chính là cơ hội để một nền dân chủ như Hà Lan chặn đứng "hiệu ứng domino của chủ nghĩa dân túy." Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại cuộc bầu cử năm nay đạt 81%, gần bằng con số kỷ lục 88% của năm 1977.
Cùng với các cuộc bầu cử tại Pháp và Đức sắp tới, sự kiện vừa diễn ra tại Hà Lan được coi là một trong 3 cuộc bầu cử quan trọng nhất năm trong nay tại châu Âu giữa lúc xu hướng dân tộc chủ nghĩa và làn sóng bài Hồi giáo không ngừng gia tăng ảnh hưởng tại nhiều nước châu lục này./.