Bảy tác phẩm múa đương đại và câu chuyện về “Sự gặp gỡ Á-Âu”

Các tác phẩm được dàn dựng theo ý tưởng về sự đan xen giữa hiện thực và tưởng tượng và trình diễn trong những không gian được sắp đặt ánh sáng và âm thanh ấn tượng.
Bảy tác phẩm múa đương đại và câu chuyện về “Sự gặp gỡ Á-Âu” ảnh 1Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 21-25/9 tại Hà Nội và từ ngày 25-27/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: BTC)

Điểm nhấn của Liên hoan “Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á-Âu 2016” là các tác phẩm được dàn dựng theo ý tưởng về sự đan xen giữa hiện thực và tưởng tượng, đi vào khám phá chiều sâu thế giới tâm hồn con người trong thời hiện đại và trình diễn trong những không gian được sắp đặt ánh sáng và âm thanh ấn tượng.

Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 21-25/9 tại Hà Nội và từ ngày 25-27/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, các nghệ sỹ đến từ sáu quốc gia (Đức, Pháp, Israel, Nhật Bản, Áo và Việt Nam) sẽ mang tới cho khán giả những vở múa đương đại được dàn dựng theo nhiều phong cách khác nhau.

Cụ thể, đó là các tác phẩm: “Những tiệm giặt là Hà Nội” (nghệ sỹ Việt-Đức hợp tác dàn dựng), “Phỏng vấn” (Israel), “Sắc sắc không không” (Việt Nam), “Mái nhà” (Việt Nam), “Hội chứng truyền thống mãn tính - Phiên bản Nhật Bản” (Nhật Bản), “Vũ công Seismic” (Áo) và “Hakanaï” (Pháp).

“Những tiệm giặt là Hà Nội”

Đây là kết quả của sự hợp tác giữa biên đạo múa người Đức Riki von Falken và nữ nghệ sỹ đa phương tiện người Việt Nam Nguyễn Trinh Thi.

Biên đạo Falken (sinh năm 1954) cho biết, trong ký ức tuổi thơ của bà luôn có những hình ảnh về cuộc chiến tranh ở Việt Nam được phát trên TV vào mỗi ngày Chủ Nhật.

Cùng với nghệ sỹ Trinh Thi, bà đã hòa mình vào không gian đô thị của Hà Nôi, khám phá dòng chảy của cuộc sống với những thay đổi không chỉ trong đời sống cá nhân mà còn cả những biến đổi về văn hóa để sáng tạo nên “Những tiệm giặt là Hà Nội.”

Bảy tác phẩm múa đương đại và câu chuyện về “Sự gặp gỡ Á-Âu” ảnh 2Hình ảnh trong vở diễn "Những tiệm giặt là Hà Nội." (Ảnh: BTC)

Nói khác đi, “Những tiệm giặt là Hà Nội” chính là sự kết nối những miền ký ức với những điều còn lại trong hiện tại sau những biến động thời cuộc.

“Hội chứng truyền thống mãn tính - Phiên bản Nhật Bản”

Tác phẩm do hai nghệ sỹ thuộc nhóm Akudo trình diễn: Nakamura Shun và Utagawa Shota.

“Người Nhật Bản nhạy cảm và luôn hành động một cách chính xác. Họ khiêm tốn và có thẩm mỹ. Đó là những đặc điểm lâu đời của họ. Đôi khi, người nước ngoài cười nhạo hoặc ngạc nhiên về những hành vi ấy. Điều đó có nghĩa là những đặc điểm này vừa hay vừa dở. Bởi thế, trong vở múa của mình, chúng tôi cố gắng diễn tả những điều đó với thái độ vừa mỉa mai vừa tán thưởng,” đại diện nhóm nghệ sỹ chia sẻ.

Bảy tác phẩm múa đương đại và câu chuyện về “Sự gặp gỡ Á-Âu” ảnh 3Tác phẩm do hai nghệ sỹ Nakamura Shun và Utagawa Shota trình diễn. (Ảnh: BTC)

Nói khác đi, ở “Hội chứng truyền thống mãn tính - Phiên bản Nhật Bản,” Nakamura Shun và Utagawa Shota đưa khán giả vào hành trình khám phá những yếu tố khiến họ trở thành người Nhật Bản với những đặc điểm riêng.

“Phỏng vấn”

Biên đạo múa người Israel Idan Sharabi đã sáng tạo nên tác phẩm này dựa trên nội dung các cuộc phỏng vấn của anh với những người anh từng gặp dưới các hầm trú ẩn trong cuộc chiến ở dải Gaza (năm 2014).

Bảy tác phẩm múa đương đại và câu chuyện về “Sự gặp gỡ Á-Âu” ảnh 4Tác phẩm do biên đạo múa người Israel Idan Sharabi dàn dựng. (Ảnh: BTC)

“Sắc sắc không không”

Biên đạo-nghệ sỹ múa Trần Ly Ly cho biết, đây là sự tiếp nối, phát triển ý tưởng được đặt ra từ vở múa “Có có không không” đã được chị và các cộng sự giới thiệu với công chúng tại Liên hoan “Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á-Âu” năm ngoái.

Qua “Phỏng vấn,” người nghệ sỹ cố gắng đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi về mối quan hệ giữa con người với bạo lực, quyền lực, điều gì là bình thường và điều gì là bất thường trong thế giới này…

Bảy tác phẩm múa đương đại và câu chuyện về “Sự gặp gỡ Á-Âu” ảnh 5Hình ảnh trong tác phẩm của biên đạo Trần Ly Ly và các cộng sự. (Ảnh: BTC)

“Thế giới đương đại đang quay cuồng với cuộc sống số. Thiết bị công nghệ chi phối, tác động tới từng ngóc ngách trong cuộc sống. Con người mất dần sự kiên nhẫn và ‘sống ảo,’ không hiểu mình là ai, mình muốn gì và thậm chí mơ hồ về chính giới tính của bản thân…" 

"Giữa sự nhiễu loạn lấy, thiền là cách giúp con người sống chậm lại, nhìn vào chính mình và nhìn ra xung quanh với sự điềm tĩnh; để từ đó hiểu rõ cái có, cái không trong cuộc đời. Đây cũng chính là thông điệp mà vở múa muốn gửi đến khán giả,” biên đạo Trần Ly Ly chia sẻ.

Biên đạo múa Trần Ly Ly chia sẻ về tác phẩm "Sắc sắc không không"

“Mái nhà”

Với bối cảnh là một mê cung trên mái nhà, người xem có thể liên tưởng đến những thế giới mà ở đó, họ có thể thoát ra khỏi đời sống bận rộn. Một ngày ở đó, con người có thể tự do chia sẻ suy nghĩ, tìm lại những khát khao và tưởng tượng ra những cách sống mới.

Với nhiều năm sinh sống và hoạt động nghệ thuật ở châu Âu, đạo diễn Bùi Ngọc Quân đã kết hợp nhiều nét văn hóa độc đáo của các quốc gia trên thế giới để tạo nên một vở múa ấn tượng.

Bảy tác phẩm múa đương đại và câu chuyện về “Sự gặp gỡ Á-Âu” ảnh 6"Mái nhà" do biên đạo Bùi Ngọc Quân dàn dựng. (Ảnh: BTC)

“Vũ công Seismic”

Nghệ sỹ múa Doris Uhlich và DJ Boris Kopeinig đã cùng làm việc với nhau để đưa đến một vở múa tràn đầy năng lượng - “Vũ công Seismic.”

Vũ điệu và âm nhạc kết hợp với nhau để tạo ra sự bùng nổ. Các nghệ sỹ hướng đến việc chia sẻ và thổi bùng năng lượng nơi khán giả.

Bảy tác phẩm múa đương đại và câu chuyện về “Sự gặp gỡ Á-Âu” ảnh 7"Vũ công Seismic" - tác phẩm đầy năng lượng. (Ảnh: BTC)

“Hakanaï”

Đại diện ban tổ chức cho biết, trong tiếng Nhật, “Hakanaï” là một từ cổ được dùng để chỉ sự mỏng manh, mơ hồ giữa thực và mơ, được tạo thành từ hai yếu tố: cong người-giấc mộng.

Xuyên suốt vở múa “Hakanaï” là sự song hành của hai nhân vật (một thực, một ảo) - một nữ vũ công và một chiếc hộp ánh sáng trên một sân khấu được thiết kế tối giản với hai gam màu đen, trắng.

Bảy tác phẩm múa đương đại và câu chuyện về “Sự gặp gỡ Á-Âu” ảnh 8Sân khấu được thiết kế tối giản với hai màu đen, trắng. (Ảnh: BTC)

Sự pha trộn của các chuyển động cơ thể cùng màn trình diễn hình ảnh, âm thanh trực tiếp tạo nên một không gian huyền ảo, truyền tải đúng tinh thần của từ “Hakanaï.”

Liên hoan “Múa đương đại: Sự gặp gỡ Á-Âu” là sự kiện thường niên do Hiệp hội các Viện văn hóa và Đại sứ quán Châu Âu tại Hà Nội (EUNIC) phối hợp với Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức từ năm 2011./.

Lịch biểu diễn các tác phẩm tham dự liên hoan:

Tại Hà Nội:

Ngày 21/9: Khai mạc liên hoan và trình diễn các vở múa “Những tiệm giặt là Hà Nội” (nghệ sỹ Việt-Đức hợp tác), “Hội chứng truyền thống mãn tính - Phiên bản Nhật Bản” (Nhật Bản) tại Nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội).

Ngày 22/9: trình diễn “Phỏng vấn” (Israel) và “Sắc sắc không không” (Việt Nam) tại Nhà hát Tuổi Trẻ.

Ngày 23/9: trình diễn vở “Mái nhà” (Việt Nam) tại Nhà hát Tuổi Trẻ.

Ngày 24/9: trình diễn “Phỏng vấn” (Israel), “Hội chứng truyền thống mãn tính - Phiên bản Nhật Bản” (Nhật Bản), “Vũ công Seismic” (Áo) tại Nhà hát Tuổi Trẻ và “Hakanaï” (Pháp) tại Nhà hát Star Galaxy (87 Láng Hạ, Hà Nội).

Ngày 25/9: trình diễn “Hakanaï” (Pháp) tại Nhà hát Star Galaxy.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh:
Ngày 25/9: trình diễn “Những tiệm giặt là Hà Nội” (nghệ sỹ Việt-Đức hợp tác) tại Nhà hát Thành phố (số 7 Công trường Lam Sơn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngày 26/9: trình diễn “Vũ công Seismic” (Áo) và “Sắc sắc không không” (Việt Nam) tại Nhà hát Thành phố.

Ngày 27/9: trình diễn vở “Mái nhà” (Việt Nam) tại Nhà hát Thành phố.

Các buổi biểu diễn bắt đầu lúc 20 giờ.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục