Bế mạc Hội nghị toàn quốc triển khai kế hoạch công tác HĐND

Đây là hội nghị đầu tiên mang quy mô toàn quốc với sự tham dự đầy đủ của Thường trực Hội đồng Nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan.
Bế mạc Hội nghị toàn quốc triển khai kế hoạch công tác HĐND ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự và chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 21/2, tại tỉnh Quảng Ninh, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 đã bế mạc sau một ngày làm việc.

Đồng chủ trì hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký.

Đây là hội nghị thứ hai về tổng kết hoạt động của Hội đồng Nhân dân trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, nhưng là hội nghị đầu tiên mang quy mô toàn quốc với sự tham dự đầy đủ của Thường trực Hội đồng Nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan.

Hội nghị đã nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh năm 2022, phương hướng nhiệm vụ và trọng tâm công tác năm 2023.

[Giải quyết hiệu quả các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm]

Đại diện Thường trực Hội đồng Nhân dân 18 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền đã phát biểu ý kiến, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả, thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nêu các đề xuất, kiến nghị để Hội đồng Nhân dân tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa vai trò hiến định của mình.

Bám sát yêu cầu thực tiễn, thiết thực và trách nhiệm

Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương những nỗ lực, đổi mới và các kết quả cơ bản, nổi bật của Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2022.

Thống nhất ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ năm 2022, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nước ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ với kết quả khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Đặc biệt, một số địa phương, nhất là các địa phương đang thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với bình quân cả nước (như: Thành phố Hồ Chí Minh đạt 9,03%; Hà Nội đạt 8,89%, Hải Phòng đạt 12,32%…).

Chủ tịch Quốc hội khẳng định trong thành tựu chung của đất nước có vai trò rất quan trọng của các cơ quan dân cử. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia và của từng địa phương; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, thực hiện các đột phá chiến lược, rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khơi thông, giải phóng các nguồn lực và tạo động lực mới cho thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

“Tại hội nghị năm ngoái, chúng ta nhận định có một làn gió tươi mới trong hoạt động của cơ quan dân cử các cấp. Chúng ta cũng thống nhất nhận thức việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử nói chung và Hội đồng Nhân dân địa phương nói riêng là thể hiện 'ý Đảng, lòng Dân,' năm nay càng thấy khẳng định đó vững chắc hơn, thuyết phục hơn,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, có rất nhiều cách làm hiệu quả, kinh nghiệm hay, bài học quý trong hoạt động của Hội đồng Nhân dân thời gian qua. Số lượng các địa phương có nhiều đổi mới, nhiều điểm nhấn, tạo được nhiều dấu ấn trong hoạt động ngày càng nhiều hơn. Hoạt động của Hội đồng Nhân dân bám sát yêu cầu thực tiễn hơn, thiết thực hơn, trách nhiệm hơn.

“Nhiều đại biểu nhấn rất mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân cũng vì sự nghiệp chung. Chúng ta không phân biệt cơ quan nào trong hệ thống chính trị, không có sự đối trọng hay đối đầu mà là chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm. Tôi cũng đã nhiều lần phát biểu rằng, việc chúng ta đổi mới, hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia hay địa phương, thậm chí bản thân công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển, không có chuyện quyền anh, quyền tôi, cua cậy càng cá cậy vây mà mỗi cơ quan đều phải làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình vì sự phát triển chung như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, “làn gió mới trong hoạt động của cơ quan dân cử đang ngày càng có tính chất lan toả hơn, vừa truyền cảm hứng, vừa tạo động lực và giữ lửa cho hoạt động của Hội đồng Nhân dân. Chúng ta đã đổi mới khá toàn diện trên tất cả các mặt và hoạt động ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.”

Bế mạc Hội nghị toàn quốc triển khai kế hoạch công tác HĐND ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự và chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trong phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc hướng dẫn, giám sát hoạt động của Hội đồng Nhân dân; đồng thời cho rằng chức năng giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng Nhân dân còn hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố đóng góp ý kiến, hiến kế để Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm tốt hơn vai trò này.

Nỗ lực cao, trách nhiệm lớn, hành động quyết liệt hơn

Về nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Trên cơ sở thành tựu và bài học năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố cần nỗ lực cao hơn, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn. Trong đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các mục tiêu, định hướng, kế hoạch phát triển của địa phương để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân cần lãnh đạo, chỉ đạo việc tiến hành đánh giá giữa nhiệm kỳ, rà soát toàn diện các lĩnh vực, nhiệm vụ, đề án chưa triển khai hoặc chưa hoàn thành và những nhiệm vụ, đề án mới phát sinh để khẩn trương thực hiện; đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung để thực thi đồng bộ các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, nhất là các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội 6 Vùng.

Hiện thực hóa yêu cầu về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới bằng chương trình, lộ trình khả thi.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Nhân dân phải giữ vai trò quan trọng trong đổi mới quản trị ở địa phương theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân; góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, từng bước rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân các thành phố trực thuộc Trung ương trong điều kiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, nhiều nhiệm vụ của Hội đồng Nhân dân cấp dưới đang dồn lên Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh. Tiếp tục thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng Nhân dân lựa chọn và thực thi các nhiệm vụ trọng tâm làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình cả về bề rộng, chiều sâu và chất lượng.

Nghiên cứu và ban hành các nghị quyết về tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách, đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là đẩy mạnh tiến độ hoàn thành các nội dung của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu cần tập trung nâng cao chất lượng các nghị quyết của Hội đồng Nhân dân theo hướng phải bảo đảm tính dự báo chính xác, lượng hóa được mục tiêu chính sách, các giải pháp và nhiệm vụ phải rất cụ thể, rõ ràng, bám sát thực tiễn cuộc sống, dễ triển khai thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát.

Xây dựng và tổ chức chương trình giám sát năm 2023 phù hợp, chặt chẽ và hiệu quả. Xây dựng các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân, phấn đấu tạo chuyển biến rõ rệt và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân, từ đó làm tốt nhiệm vụ kiểm soát quyền lực ở địa phương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Đồng thời, chủ động tham gia có hiệu quả các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong các hoạt động giám sát, khảo sát.

Lấy phiếu tín nhiệm là công tác trọng tâm của nhiệm vụ trọng tâm

Đặc biệt, năm 2023, Quốc hội và Hội đồng Nhân dân sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là lần lấy phiếu tín nhiệm duy nhất trong nhiệm kỳ, góp phần đánh giá cán bộ, về uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; giúp cán bộ "tự soi," "tự sửa," tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức Đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.

Tiếp thu ý kiến đề nghị của các đại biểu, Đảng đoàn Quốc hội sẽ lãnh đạo, chỉ đạo sớm việc sửa đổi, bổ sung các nghị quyết của Quốc hội, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy định số 96-QĐ/TW và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng Nhân dân tổ chức thực hiện tốt Quy định số 96-QĐ/TW, các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nhận thức việc lấy phiếu tín nhiệm là công tác trọng tâm của nhiệm vụ trọng tâm; từ đó, xây dựng kế hoạch và các giải pháp khả thi, cụ thể, tiến hành nghiêm túc, tránh hình thức, chiếu lệ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Nhân dân các địa phương nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, năng lực, uy tín của đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp gắn chặt với nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Thường trực Hội đồng Nhân dân các địa phương cần bám sát chỉ đạo của cấp ủy Đảng, soát xét tổng thể phương hướng nhân sự đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2026-2031, tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch đại biểu chuyên trách nhằm xây dựng đội ngũ đại biểu kế cận thật sự coi trọng chất lượng với cơ cấu. Đổi mới cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại biểu Hội đồng Nhân dân; xử lý nghiêm các trường hợp sa sút về phẩm chất chính trị, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, không còn xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri và nhân dân địa phương.

Chủ tịch Quốc hội cho biết năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu, ban hành Quy chế mẫu về hoạt động của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, đồng thời nghiên cứu đổi mới việc tổ chức Hội nghị Thường trực Hội đồng Nhân dân tại 6 khu vực trên cả nước theo hướng không nhất thiết tổ chức hằng năm và sẽ tập trung hơn theo hướng tăng tính liên kết vùng kinh tế, giữa các địa phương có chung đặc điểm văn hóa, xã hội...

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Nhân dân chủ động, tăng cường phối hợp công tác với các tầm mức: giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Hội đồng Nhân dân, giữa Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố, giữa Hội đồng Nhân dân các cấp với nhau, đảm bảo tính đồng bộ, liên thông, hiệu quả, thiết thực, thực chất, không hình thức, không phô trương, không lãng phí.

Căn cứ kết quả của hội nghị, Chủ tịch Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện văn bản để báo cáo Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố, cơ quan hữu quan; đồng thời, tổng hợp, thống kê đầy đủ ý kiến, kiến nghị, đề xuất của Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật./.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu chào mừng hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu chào mừng hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục