Bế tắc đăng ký tranh cử tại Thái Lan vẫn chưa được tháo gỡ

Tiến trình chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan vẫn tiếp tục bế tắc khi người biểu tình vẫn tiếp tục bao vây khu vực đăng ký tranh cử.
Bế tắc đăng ký tranh cử tại Thái Lan vẫn chưa được tháo gỡ ảnh 1Người biểu tình vẫn tiếp tục bao vây khu vực đăng ký tranh cử. (Ảnh: Hà Linh/Vietnam+)

Tiến trình chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2/2014 tại Thái Lan vẫn tiếp tục bế tắc cho dù hầu hết các chính đảng tham gia đã chuyển được danh sách ứng cử viên của họ tới Ủy ban bầu cử.

Theo quy định, sau khi tiếp nhận danh sách ứng cử viên, Ủy ban bầu cử sẽ kiểm tra, thẩm định và tổ chức bốc thăm lá số tranh cử. Đây là những thủ tục chính buộc các đảng đăng ký phải có mặt.

Tuy nhiên, vấn đề bế tắc là họ không thể vào trong để làm thủ tục này khi mà người biểu tình vẫn tiếp tục bao vây khu vực đăng ký tranh cử.

Ủy ban bầu cử Thái Lan cho biết đến nay lịch trình cũng như địa điểm đăng ký tranh cử của các đảng chưa có gì thay đổi.

Sau thời hạn 27/12, Ủy ban bầu cử sẽ xem xét có thể làm được gì nếu các đảng vẫn chưa hoàn thành được thủ tục đăng ký. Hiện tại, kể cả các quan chức và nhân viên của ủy ban này cũng không vào được khu vực đăng ký để làm việc.

Trong thẩm quyền của mình, Ủy ban bầu cử có quyền thay đổi địa điểm và thời gian đăng ký tranh cử. Họ cũng có quyền trình báo sự việc người biểu tình ngăn cản việc đăng ký ứng cử viên. Tuy nhiên, dường như các thành viên của ủy ban này vẫn chưa sẵn sàng làm việc đó.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã tuyên bố rằng người biểu tình sẽ kéo dài các cuộc tuần hành của họ qua Năm mới và thậm chí tới tận ngày bầu cử.

Kế hoạch tiếp theo của ông Suthep có thể là xúi giục người biểu tình làm loạn để tạo nên một bức tranh về một nhà nước rối loạn.

Bế tắc đăng ký tranh cử tại Thái Lan vẫn chưa được tháo gỡ ảnh 2Người biểu tình vẫn tiếp tục bao vây khu vực đăng ký tranh cử. (Ảnh: Hà Linh/Vietnam+)

Ông Suthep vẫn lập luận rằng Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức để mở đường cho họ thành lập Hội đồng nhân dân và bổ nhiệm thủ tướng tạm quyền.

Ông Suthep khẳng định người biểu tình đã lên kế hoạch bám theo bà Yingluck, bất kể bà ở đâu tại Thái Lan, để thực hiện bằng được mục đích của họ.

Bà Yingluck hiện đang tiếp tục các chuyến công du tại các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, nơi bà vẫn nhận được sự ủng hộ của người dân.

Theo một ứng cử viên của đảng Chart Thai Pattana, tình trạng náo loạn tại khu vực đăng ký tranh cử là một hiện tượng mới chưa từng xảy ra trong lịch sử Thái Lan. Đây là lần đầu tiên các ứng cử viên phải đối mặt với khó khăn trong đăng ký bầu cử.

Ông Chart Thai Pattana là một trong những người tới đồn cảnh sát khu vực đăng ký tranh cử để trình báo việc bị người biểu tình cản trở.

Khả năng việc đăng ký ứng cử viên theo khu vực bầu cử có thể sẽ căng thẳng hơn bởi nó sẽ diễn ra ở khắp 77, nhưng hy vọng Ủy ban bầu cử có thể đảm bảo được tiến trình này diễn ra suôn sẻ.

Luật pháp Thái Lan quy định người nào gây cản trở việc đăng ký ứng cử viên bầu cử sẽ bị phạt tới 5 năm tù giam hoặc 10.000 baht (hơn 300 USD).

Những người cản trở công việc của ủy viên bầu cử sẽ bị phạt tù giam hai năm và phạt tiền 40.000 baht (hơn 1.200 USD). Những người cản trở công việc của ứng cử viên nghị sĩ sẽ phạm tội xâm phạm tự do cá nhân được quy định trong bộ luật hình sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục