Bến Tre đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030

Tỉnh phát triển thương hiệu du lịch Bến Tre xứ Dừa dựa vào tiềm năng, lợi thế về tự nhiên; lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương, xây dựng Bến Tre là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện.

Du khách tham quan du lịch tại cồn Phụng, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)
Du khách tham quan du lịch tại cồn Phụng, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và là một trong những điểm đến sinh thái, trải nghiệm văn hóa hàng đầu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đối với khách quốc tế, điểm đến nghỉ dưỡng ngắn ngày hàng đầu khu vực đối với khách trong nước.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tổng thu từ khách du lịch đạt từ 2.300-3.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 22-25%/năm, đóng góp trực tiếp vào GRDP cố gắng đạt 6% trở lên. Giai đoạn này, địa phương đón ít nhất từ 2,3-3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 40-45%, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đến Bến Tre từ 12-15%/năm.

Đến năm 2030, Bến Tre đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; đồng thời trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao và thuộc nhóm dẫn đầu các địa phương trong khu vực, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

Tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt từ 3.800-6.000 tỷ đồng; đón ít nhất 3,2-5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 46-48% trở lên…

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười cho biết để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Bến Tre.

Tỉnh tăng cường thu hút đầu tư, phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào khu du lịch trọng tâm; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch…

Bến Tre thực hiện giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh thị trường du lịch nội địa, tạo nền tảng cho tăng trưởng bứt phá trong ngắn hạn. Tỉnh đa dạng hóa, khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế, chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày; liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng; phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tham gia vào phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

Địa phương đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm."

Bến Tre thực hiện hiệu quả các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng Sông Cửu Long; nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng; phát huy vai trò liên kết xây dựng nên sản phẩm hấp dẫn, độc đáo của từng địa phương, đảm bảo thống nhất cùng phát triển bền vững.

Bến Tre đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Tỉnh thúc đẩy các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn cảnh quan nông thôn, văn hóa cộng đồng, phát huy tối đa du lịch nông nghiệp, gắn với nông thôn và nông dân, phát huy ngành, nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn.

Tỉnh phát triển thương hiệu du lịch Bến Tre xứ Dừa dựa vào tiềm năng, lợi thế về tự nhiên; lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương, xây dựng Bến Tre là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện, hiếu khách…

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, năm 2023, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh phục hồi tốt. Công tác xúc tiến du lịch được đẩy mạnh thông qua các sự kiện tuyên truyền, quảng bá, kết nối du lịch.

Trong năm, Bến Tre đón hơn 2,2 triệu lượt khách du lịch (khách quốc tế 397.962 lượt), tăng 71,9% so cùng kỳ năm trước, đạt 152,3% kế hoạch; doanh thu ước đạt 2.763 tỷ đồng, tăng 77,34% so với cùng kỳ, đạt 167,8% kế hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục