Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp tại Bà Rịa-Vũng Tàu

Theo Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm 2018 đến ngày 9/10, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi nhận hơn 1.806 ca mắc bệnh tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp tại Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 1Một trẻ mắc bệnh tay chân miệng. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Theo Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm 2018 đến ngày 9/10 , toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi nhận hơn 1.806 ca mắc bệnh tay chân miệng. Theo đánh giá của Bộ Y tế, Bà Rịa-Vũng Tàu là 1 trong 6 tỉnh, thành ở khu vực phía Nam có nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng trong 9 tháng đầu năm 2018.

Điều đáng nói, các ca mắc tay chân miệng tăng mạnh trong tháng 8 và 9, với 725 trường hợp. Thành phố Vũng Tàu là địa phương có số ca mắc tay chân miệng nhiều nhất tỉnh với 736 ca.

Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp và mức độ lây lan nhanh nhưng, hiện nhiều phụ huynh chưa nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh, tự ý mua thuốc cho con uống và điều trị tại nhà. Sau khi trẻ bệnh phát triển nặng, sức khỏe của trẻ suy giảm, phụ huynh mới đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa khuyến cáo các bậc phụ huynh, khi thấy trẻ có các triệu chứng như: Sốt cao trên 39°C; miệng lở loét, nổi nốt ban và mọng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; thường xuyên giật mình; thở nhanh, đi không vững, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Phụ huynh không nên chủ quan, tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ tại nhà.

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có công văn khẩn gửi Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe, các bệnh viện, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng tổng hợp tình hình dịch bệnh từ đầu năm 2018 đến nay, phân tích dịch tễ bệnh, xác định yếu tố nguy cơ, vùng nguy cơ, dự báo dịch, hướng dẫn nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tuyến huyện giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, không để bùng phát, lan rộng.

Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe cập nhật tình hình dịch bệnh, dịch tễ và công tác triển khai của tỉnh, kiến thức phòng chống dịch bệnh để hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, chuyển tải đến cơ quan truyền thông phối hợp tuyên truyền. Các bệnh viện, cơ sở điều trị, chủ động phân loại bệnh nhân, chuẩn bị khu cách ly điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục