Hà Nội mưa và lạnh. Cái rét nàng Bân tê tái, buốt thấu xương. Bình đến hẹn đúng giờ. Trái ngược hẳn với tưởng tượng của tôi về một thủ lĩnh tình nguyện Hành trình xanh Hà Nội cao to vạm vỡ, Bình nhỏ thó, nhưng linh lợi với nụ cười tươi rói đầy tự tin. Cậu hào hứng kể về những hoạt động mới của nhóm Hành trình Xanh trong Năm Thanh niên, về những chuyến đi tình nguyện và cả về những ngày tháng… chìm đắm với game.
Nghiện game từ… lớp 1
Không phải tới thế kỷ 21, và chỉ ở thành phố lớn, trẻ con mới biết nghiện game. Nguyễn Quý Bình là ví dụ tiêu biểu, bởi từ ngày xa lắc, khi Internet mới chập chững gõ cửa Việt Nam (năm 1997) thì cậu đã lăn lê ở các quán game, dù khi ấy, Bình mới lon ton lớp 1 và tỉnh Hải Dương quê cậu lúc đó vẫn là “vùng sâu vùng xa.” Cả khu mới có một quán game, không phải game online mà là các trò game cầm tay. Vốn thích hoạt hình nên khi thấy các nhân vật trong game giống hoạt hình mà mình lại điều khiển được, Bình kết lắm.
Để có tiền tạt qua quán game ngày vài tiếng, Bình gom từng tờ 200, 500 đồng được bố mẹ thưởng mỗi lần được điểm 9, 10. Với 500 đồng khi đó đã đủ mua một gói xôi hay một cốc chè đậu đen nên mỗi ngày cố gắng vài ba điểm 10 là đủ cho Bình chơi game thoải mái. Bình cười bảo: “Mê game lại trở thành động lực cho em học, vì đó là cách duy nhất để có tiền.”
Lên cấp 2, điểm 10 không dễ kiếm nên cậu chàng tính chuyện làm thêm. Công việc đầu tiên của Bình là làm chân sai vặt cho Xí nghiệp giống cây trồng ở gần nhà. Một ngày đi dọn đồ cho gọn gàng, mang cho bác cái bao, mang cho cô cái dây, Bình được trả 2.000 đồng. Lần đầu tiên làm ra tiền, cậu khoái chí, giữ mấy ngày không nỡ tiêu. Nhưng rồi cũng "nướng" vào quán game.
Say mê với thế giới ảo nhưng số tiền có được quá ít ỏi, Bình bắt đầu biết dùng đến các mẹo vặt ranh mãnh: khai tăng tiền học phí, tiền quỹ lớp. Các kỳ nghỉ hè cũng được Bình khai thác triệt để với những công việc làm thêm từ thợ mộc đến “phu phen” chỉ để kiếm tiền chơi game online.
Hè năm lớp 11, một tháng ròng cậu khuân vác cho công ty sản xuất đồ nhựa, được 800.000 đồng. Rủng rỉnh, cậu xin phép bố mẹ đi chơi nhà bạn rồi ba ngày ba đêm ngồi lỳ trước màn hình máy tính chơi game. Ba ngày đêm liên tục ấy, Bình chỉ nghỉ ăn đúng một lần khi máy chủ ngừng để bảo trì 30 phút mà vẫn không hề thấy đói vì “ở đó, mình được chinh phục, được chiến đấu để đạt một mục đích, có cảm giác thắng thua, cay cú, nên say lắm. Càng thua càng say, mà càng thắng thì càng mê”.
Lên đại học, được tự do, lại rảnh rỗi thời gian nên Bình càng có thêm cơ hội cho game. Mỗi ngày, cậu đến trường rồi về nhà, ngồi cố thủ bên chiếc máy tính nối mạng.
Thử nghiệm đầu tiên
Bình kể về cái “duyên” với chương trình tình nguyện Hành trình xanh một cách say sưa. Hè năm nhất, từ quê lên, cậu đạp xe ra ga nhưng trong phút ngẫu hứng, cậu không đi tàu như mọi lần mà quay ra quốc lộ, một mình một xe thẳng tiến Hà Nội.
Lên tới lớp, Bình lại nhận được tờ rơi nhóm Hành trình xanh tuyển tình nguyện viên. Hăng hái tham gia, Bình không ngờ được nhân duyên kỳ ngộ khi chuyến đi đầu tiên của cậu cùng nhóm lại cũng là về Hải Dương bằng xe đạp. Thật là một cơ hội tuyệt vời để so sánh. Đó cũng là chuyến đi thử nghiệm quyết định việc ở lại hay ra đi khỏi nhóm.
Bình hào hứng: “Phải khi đi cùng đoàn mới cảm nhận hết được sự khác biệt”. Quãng đường hơn 70km từ Hải Dương lên thủ đô ngốn mất 6 giờ đồng hồ và thêm hai ngày toàn thân đau nhức. Nhưng đi cùng Hành trình Xanh từ Hà Nội về Hải Dương lại chỉ tốn 4 giờ mà không hề mệt mỏi.
Chưa bao giờ tham gia các cuộc họp hay liên hoan lớp nên đây gần như là lần đầu tiên Bình cảm nhận được sức mạnh của tinh thần tập thể. Được tập luyện thường xuyên, đông vui hiệu quả hơn là đi một mình, cô đơn và buồn chán.
Điểm đến của đội là Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương, nơi có khoảng 1.000 trẻ khuyết tật, kém may mắn. Bình bảo, dù là dân Hải Dương chính cống nhưng đó là lần đầu tiên cậu biết đến sự tồn tại của trung tâm này.
Cả đội, người được phân công dọn dẹp vệ sinh, người được giao nhiệm vụ chơi với các bé. Là người khuyết tật nên các em rất khó gần, nhất là với người lạ. Để tạo niềm tin nơi các em, Bình dụ đủ trò. Nào dẫn các em đi chơi, pha trò cho các em cười, lân la nhờ em dạy ngôn ngữ ký hiệu. Phải mất nửa ngày với đủ các ngón nghề, cậu mới làm cho một em bé bị bệnh Down cười.
“Bây giờ cũng không nhớ nổi mình đã làm cách nào mà em ấy cười, nhưng nụ cười ấy thì mãi không thể quên, vừa tội nghiệp, vừa rạng rỡ. Và có lẽ, người hạnh phúc nhất khi ấy không phải là em bé, mà là mình. Vừa là cảm giác chinh phục, vừa là niềm vui khi thấy mình có ích cho người khác, thấy việc làm của mình có ý nghĩa, và nhất là thấy hơi ấm tình thương giữa những người hoàn toàn xa lạ,” Bình xúc động nói.
Chuyến đi với những trải nghiệm, những cảm xúc hoàn toàn mới đã gắn kết Bình với Hành trình Xanh từ đó.
Chinh phục đèo Hải Vân bằng… xe đạp
“Sản phẩm” đặc trưng của Hành trình Xanh là những chuyến đạp xe xuyên Việt mỗi dịp hè. 32 ngày rong ruổi dọc dài đất nước hè năm 2009 là chuỗi ngày mà Bình không thể nào quên.
Mỗi ngày đạp khoảng 200 cây số. Được giao phụ trách an ninh nên ban đêm, Bình phải thức trực coi cả trăm chiếc xe đạp cho toàn đoàn. Bình bảo, ngay những việc rất nhỏ như luôn đi mép phía ngoài để bảo vệ các bạn đi phía trong cũng mang lại những cảm xúc rất lạ, thấy mình trưởng thành hơn, sống trách nhiệm hơn.
Đoàn có 157 người nhưng chỉ 87 người được phép vượt đèo Hải Vân vì đèo dài tới 13 km. Cả hội hì hục, có đoạn phải dừng lại nghỉ, nhưng ai cũng háo hức, cố gắng gò lưng đạp. “Giây phút được lên được đến đỉnh đèo, cảm xúc như vỡ òa, niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời được. Mình đã chinh phục được một đỉnh cao mà chưa bao giờ mình nghĩ tới, lại bằng xe đạp thì càng không tưởng. Đứng đó, nhìn bao quát toàn cảnh với đây núi non hùng vĩ, kia vịnh Lăng Cô uốn lợn, trước mặt là biển rộng bao la. Bên này là Huế, bên kia là Đà Nẵng, bên này là miền Bắc, bên kia là miền Nam. Chưa bao giờ thấy nước non mình đẹp kỳ vĩ đến thế,” Bình hào hứng nói như cậu vẫn còn đang đứng trên đỉnh đèo cao nhất Việt Nam lộng gió.
Những chuyến đi đã cuốn Bình ra khỏi game tự lúc nào. Từ một Bình nhút nhát, ít nói, ngại chốn đông người trở thành một Bình hoạt bát, linh lợi, trùm sò trong rất nhiều trò chơi. Tới tháng 4 này Bình mới tròn hai năm gắn bó với Hành trình xanh nhưng cậu đã nhanh chóng được các bạn tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Hành trình Xanh Hà Nội với hơn 100 thành viên thuộc 30 trường đại học, cao đẳng.
"Những hoạt động tình nguyện đã giúp em phát huy được những tố chất tiềm tàng mà trước đây, em nghĩ mình không có, như khả năng giao tiếp, thuyết phục và quản lý. Tình nguyện chính là bí quyết giúp em trưởng thành hơn," Bình vui vẻ nói./.
Nghiện game từ… lớp 1
Không phải tới thế kỷ 21, và chỉ ở thành phố lớn, trẻ con mới biết nghiện game. Nguyễn Quý Bình là ví dụ tiêu biểu, bởi từ ngày xa lắc, khi Internet mới chập chững gõ cửa Việt Nam (năm 1997) thì cậu đã lăn lê ở các quán game, dù khi ấy, Bình mới lon ton lớp 1 và tỉnh Hải Dương quê cậu lúc đó vẫn là “vùng sâu vùng xa.” Cả khu mới có một quán game, không phải game online mà là các trò game cầm tay. Vốn thích hoạt hình nên khi thấy các nhân vật trong game giống hoạt hình mà mình lại điều khiển được, Bình kết lắm.
Để có tiền tạt qua quán game ngày vài tiếng, Bình gom từng tờ 200, 500 đồng được bố mẹ thưởng mỗi lần được điểm 9, 10. Với 500 đồng khi đó đã đủ mua một gói xôi hay một cốc chè đậu đen nên mỗi ngày cố gắng vài ba điểm 10 là đủ cho Bình chơi game thoải mái. Bình cười bảo: “Mê game lại trở thành động lực cho em học, vì đó là cách duy nhất để có tiền.”
Lên cấp 2, điểm 10 không dễ kiếm nên cậu chàng tính chuyện làm thêm. Công việc đầu tiên của Bình là làm chân sai vặt cho Xí nghiệp giống cây trồng ở gần nhà. Một ngày đi dọn đồ cho gọn gàng, mang cho bác cái bao, mang cho cô cái dây, Bình được trả 2.000 đồng. Lần đầu tiên làm ra tiền, cậu khoái chí, giữ mấy ngày không nỡ tiêu. Nhưng rồi cũng "nướng" vào quán game.
Say mê với thế giới ảo nhưng số tiền có được quá ít ỏi, Bình bắt đầu biết dùng đến các mẹo vặt ranh mãnh: khai tăng tiền học phí, tiền quỹ lớp. Các kỳ nghỉ hè cũng được Bình khai thác triệt để với những công việc làm thêm từ thợ mộc đến “phu phen” chỉ để kiếm tiền chơi game online.
Hè năm lớp 11, một tháng ròng cậu khuân vác cho công ty sản xuất đồ nhựa, được 800.000 đồng. Rủng rỉnh, cậu xin phép bố mẹ đi chơi nhà bạn rồi ba ngày ba đêm ngồi lỳ trước màn hình máy tính chơi game. Ba ngày đêm liên tục ấy, Bình chỉ nghỉ ăn đúng một lần khi máy chủ ngừng để bảo trì 30 phút mà vẫn không hề thấy đói vì “ở đó, mình được chinh phục, được chiến đấu để đạt một mục đích, có cảm giác thắng thua, cay cú, nên say lắm. Càng thua càng say, mà càng thắng thì càng mê”.
Lên đại học, được tự do, lại rảnh rỗi thời gian nên Bình càng có thêm cơ hội cho game. Mỗi ngày, cậu đến trường rồi về nhà, ngồi cố thủ bên chiếc máy tính nối mạng.
Thử nghiệm đầu tiên
Bình kể về cái “duyên” với chương trình tình nguyện Hành trình xanh một cách say sưa. Hè năm nhất, từ quê lên, cậu đạp xe ra ga nhưng trong phút ngẫu hứng, cậu không đi tàu như mọi lần mà quay ra quốc lộ, một mình một xe thẳng tiến Hà Nội.
Lên tới lớp, Bình lại nhận được tờ rơi nhóm Hành trình xanh tuyển tình nguyện viên. Hăng hái tham gia, Bình không ngờ được nhân duyên kỳ ngộ khi chuyến đi đầu tiên của cậu cùng nhóm lại cũng là về Hải Dương bằng xe đạp. Thật là một cơ hội tuyệt vời để so sánh. Đó cũng là chuyến đi thử nghiệm quyết định việc ở lại hay ra đi khỏi nhóm.
Bình hào hứng: “Phải khi đi cùng đoàn mới cảm nhận hết được sự khác biệt”. Quãng đường hơn 70km từ Hải Dương lên thủ đô ngốn mất 6 giờ đồng hồ và thêm hai ngày toàn thân đau nhức. Nhưng đi cùng Hành trình Xanh từ Hà Nội về Hải Dương lại chỉ tốn 4 giờ mà không hề mệt mỏi.
Chưa bao giờ tham gia các cuộc họp hay liên hoan lớp nên đây gần như là lần đầu tiên Bình cảm nhận được sức mạnh của tinh thần tập thể. Được tập luyện thường xuyên, đông vui hiệu quả hơn là đi một mình, cô đơn và buồn chán.
Điểm đến của đội là Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương, nơi có khoảng 1.000 trẻ khuyết tật, kém may mắn. Bình bảo, dù là dân Hải Dương chính cống nhưng đó là lần đầu tiên cậu biết đến sự tồn tại của trung tâm này.
Cả đội, người được phân công dọn dẹp vệ sinh, người được giao nhiệm vụ chơi với các bé. Là người khuyết tật nên các em rất khó gần, nhất là với người lạ. Để tạo niềm tin nơi các em, Bình dụ đủ trò. Nào dẫn các em đi chơi, pha trò cho các em cười, lân la nhờ em dạy ngôn ngữ ký hiệu. Phải mất nửa ngày với đủ các ngón nghề, cậu mới làm cho một em bé bị bệnh Down cười.
“Bây giờ cũng không nhớ nổi mình đã làm cách nào mà em ấy cười, nhưng nụ cười ấy thì mãi không thể quên, vừa tội nghiệp, vừa rạng rỡ. Và có lẽ, người hạnh phúc nhất khi ấy không phải là em bé, mà là mình. Vừa là cảm giác chinh phục, vừa là niềm vui khi thấy mình có ích cho người khác, thấy việc làm của mình có ý nghĩa, và nhất là thấy hơi ấm tình thương giữa những người hoàn toàn xa lạ,” Bình xúc động nói.
Chuyến đi với những trải nghiệm, những cảm xúc hoàn toàn mới đã gắn kết Bình với Hành trình Xanh từ đó.
Chinh phục đèo Hải Vân bằng… xe đạp
“Sản phẩm” đặc trưng của Hành trình Xanh là những chuyến đạp xe xuyên Việt mỗi dịp hè. 32 ngày rong ruổi dọc dài đất nước hè năm 2009 là chuỗi ngày mà Bình không thể nào quên.
Mỗi ngày đạp khoảng 200 cây số. Được giao phụ trách an ninh nên ban đêm, Bình phải thức trực coi cả trăm chiếc xe đạp cho toàn đoàn. Bình bảo, ngay những việc rất nhỏ như luôn đi mép phía ngoài để bảo vệ các bạn đi phía trong cũng mang lại những cảm xúc rất lạ, thấy mình trưởng thành hơn, sống trách nhiệm hơn.
Đoàn có 157 người nhưng chỉ 87 người được phép vượt đèo Hải Vân vì đèo dài tới 13 km. Cả hội hì hục, có đoạn phải dừng lại nghỉ, nhưng ai cũng háo hức, cố gắng gò lưng đạp. “Giây phút được lên được đến đỉnh đèo, cảm xúc như vỡ òa, niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời được. Mình đã chinh phục được một đỉnh cao mà chưa bao giờ mình nghĩ tới, lại bằng xe đạp thì càng không tưởng. Đứng đó, nhìn bao quát toàn cảnh với đây núi non hùng vĩ, kia vịnh Lăng Cô uốn lợn, trước mặt là biển rộng bao la. Bên này là Huế, bên kia là Đà Nẵng, bên này là miền Bắc, bên kia là miền Nam. Chưa bao giờ thấy nước non mình đẹp kỳ vĩ đến thế,” Bình hào hứng nói như cậu vẫn còn đang đứng trên đỉnh đèo cao nhất Việt Nam lộng gió.
Những chuyến đi đã cuốn Bình ra khỏi game tự lúc nào. Từ một Bình nhút nhát, ít nói, ngại chốn đông người trở thành một Bình hoạt bát, linh lợi, trùm sò trong rất nhiều trò chơi. Tới tháng 4 này Bình mới tròn hai năm gắn bó với Hành trình xanh nhưng cậu đã nhanh chóng được các bạn tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Hành trình Xanh Hà Nội với hơn 100 thành viên thuộc 30 trường đại học, cao đẳng.
"Những hoạt động tình nguyện đã giúp em phát huy được những tố chất tiềm tàng mà trước đây, em nghĩ mình không có, như khả năng giao tiếp, thuyết phục và quản lý. Tình nguyện chính là bí quyết giúp em trưởng thành hơn," Bình vui vẻ nói./.
Phạm Mai (Vietnam+)