Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa Khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã bế mạc vào chiều 13/12.
Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng đã thông qua 27 tờ trình của Ủy ban Nhân dân tỉnh về nhiều nội dung quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Trong năm 2018, kinh tế-xã hội tỉnh Thanh Hóa có sự phát triển đột phá trên nhiều lĩnh vực mà từ trước đến nay chưa từng đạt được. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII quyết nghị tại Nghị quyết số 74 ngày 7/12/2017 đều đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch.
Kinh tế tăng trưởng khá, đạt 15,16%, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Sản xuất nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn do lũ ống, lũ quét, ngập lụt xảy ra ở nhiều địa phương nhưng vẫn phát triển ổn định và giá trị sản xuất tăng so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất tăng 34,2% so với cùng kỳ.
Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển khá, nhiều lĩnh vực khởi sắc như du lịch, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vận tải. Đặc biệt thu ngân sách nhà nước của tỉnh Thanh Hóa ước đạt gần 23.500 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2017 và vượt dự toán Trung ương giao trên 1.600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều dự án giao thông, hạ tầng thương mại, công nghiệp đã hoàn thành đi vào hoạt động, nhất là việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, góp phần quan trọng nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng; đặc biệt Thanh Hóa đã sáp nhập được 1.578 thôn, bản, tổ dân phố trên tổng số 5.971 thôn, bản, tổ dân phố của toàn tỉnh và giảm tương ứng 9.468 cán bộ không chuyên trách.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh Hóa vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; tích tụ ruộng đất chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; sản lượng một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp so với kế hoạch; số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng sản xuất kinh doanh có xu hướng gia tăng.
Cùng với đó, tiến độ triển khai thực hiện một số dự án còn chậm; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, xe ôtô quá tải, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra. Đồng thời, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của một số cơ quan, đơn vị; năng lực công tác và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế...
Tại kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 29 chức vụ do hội đồng bầu.
Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa và ông Lại Thế Nguyên, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa là những người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất với 87/90 phiếu; 3 phiếu tín nhiệm và không có phiếu tín nhiệm thấp.
[Đắk Nông công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 30 chức danh lãnh đạo]
Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Trịnh Văn Chiến khẳng định hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục đổi mới so với những kỳ họp trước. Nội dung trả lời chất vấn đã đi thẳng vào những vấn đề được đưa ra, bám sát thực tế, đúng trọng tâm, trọng điểm.
Qua hoạt động chất vấn, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành được chất vấn đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của mình đối với sự phát triển đi lên của tỉnh Thanh Hóa.
Ông Trịnh Văn Chiến yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh ngay sau kỳ họp này cần chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề cử tri quan tâm; thực hiện nghiêm các kiến nghị được nêu trong các báo cáo kết quả giám sát.
Ông Trịnh Văn Chiến cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành được chất vấn thực hiện nghiêm túc cam kết đã hứa tại buổi trả lời chất vấn, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh và cử tri vào kỳ họp tiếp theo./.
[Kết quả lấy phiếu tín nhiệm Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa phần 1, phần 2, phần 3]