Biến động thị trường nông sản tuần qua: Giá tiêu tiếp tục giảm mạnh

Giá tiêu đang ở trong đợt suy giảm mạnh, người nông dân bước vào vụ thu hoạch với tâm lý lo lắng, không biết đợt suy giảm này đã kết thúc chưa.
Biến động thị trường nông sản tuần qua: Giá tiêu tiếp tục giảm mạnh ảnh 1Thu hoạch tiêu tại huyện Bù Đốp, thủ phủ hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Tuần qua (ngày 21-26/12), giá lúa gạo ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, mặt hàng càphê ở khu vực Tây Nguyên nhìn chung duy trì ổn định so với tuần trước.

Trái lại, giá tiêu vẫn tiếp chu kỳ giảm mạnh.

Thị trường trong nước

Tại các tỉnh tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tuần qua nhìn chung, giá lúa gạo ổn định, duy trì ổn định ở mức cao.

Giá gạo nguyên liệu IR504 ổn định ở 9.600 đồng/kg; giá gạo thành phẩm IR 504 giữ vững ở 10.900 đồng/kg; giá tấm 1 IR 504 ổn định ở 10.000 đồng/kg; giá cám vàng ổn định 6.800 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.700-6.900 đồng/kg; một số loại lúa chất lượng cao như OM từ 6.800-7.000 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo tại An Giang cũng duy trì ổn định.

[Tái cơ cấu ngành lúa gạo, từng bước tăng giá trị cho gạo Việt Nam]

Giá gạo thường giao động ở mức 10.500-11.000 đồng/kg, gạo Jasmine từ 14.000-15.000 đồng/kg, gạo Nhật 23.000 đồng/kg, tấm thường 12.500 đồng/kg, nếp từ 13.000-14.000 đồng/kg, gạo Hương lài 19.500 đồng/kg...

Theo các chuyên gia, thời gian qua, giá lúa gạo liên tục giữ ở mức cao, không riêng gạo 5% tấm mà nhiều loại gạo xuất khẩu khác của Việt Nam như gạo DT8, gạo 5451... dù có sự biến động theo thị trường nhưng nhiều thời điểm đã có giá tốt, góp phần nâng cao trị giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian qua.

Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đã triển khai được 4 năm và đã tạo được những chuyển biến tích cực trong tổ chức sản xuất-tiêu thụ, từng bước nâng cao giá trị cho gạo Việt Nam.

Trong khi một số chỉ tiêu như đảm bảo an ninh lương thực, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu có thể đạt được khá dễ dàng thì một số chỉ tiêu như nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.

Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn 2030, theo các chuyên gia, thời gian tới là nâng cao giá trị xuất khẩu bằng chất lượng và thương hiệu chứ không phải về sản lượng.

Muốn tái cơ cấu ngành lúa gạo hiệu quả cần thực hiện đồng bộ ba nhóm giải pháp: hể chế và chính sách; phát triển khoa học và công nghệ; đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo Diễn đàn của người làm cà phê, tuần qua giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên nhìn chung ổn định. Điển hình ngày 26/12, giá cà phê dao động ở mức 32.500-32.900 đồng/kg.

Giá càphê thấp nhất tại Lâm Đồng là 32.500 đồng. Còn các các địa phương khác như Gia Lai, Đắk Nông có giá là 32.800 đồng/kg; tại Đắk Lắk có giá cao nhất là 32.900 đồng/kg.

Biến động thị trường nông sản tuần qua: Giá tiêu tiếp tục giảm mạnh ảnh 2 Nông dân xã Ea Kao, thành phố Buôn Mê Thuột thu hoạch càphê. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.438 USD/tấn, với mức chênh lệch +55 USD/tấn.

Hiện nông dân đã thu hoạch được khoảng 60-70% vụ mùa nhưng có vẻ nông dân không vội bán hàng ra vì giá càphê thế giới đang dao động ở mức quá thấp, người trồng càphê không có lợi nhuận.

Trong khi đó, chất lượng hạt càphê vụ mới được đánh giá khá cao khi diện tích vùng càphê đặc sản ngày càng mở rộng và công nghệ sau thu hoạch được chú trọng nhiều hơn.

Theo Tintaynguyen, giá tiêu ngày 26/12 trong khoảng 52.000-54.000 đồng/kg, giảm 1.000-1.500 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Giá tiêu cao nhất vẫn ở Bà Rịa-Vũng Tàu là 54.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu được thu mua với mức 53.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Đồng Nai, giá tiêu ở mức thấp nhất là 52.000 đồng/kg.

Giá tiêu đang ở trong đợt suy giảm mạnh. Người nông dân bước vào vụ thu hoạch với tâm lý lo lắng, không biết đợt suy giảm này đã kết thúc chưa. Bên cạnh đó, họ cũng phải đối mặt với diện tích suy giảm, dịch bệnh và năng suất tiêu vụ tới.

Thị trường thế giới

Về thị trường nông sản kỳ hạn Mỹ, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/12 tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn diễn biến trái chiều, với giá ngô và đậu tương tăng, trong khi giá lúa mỳ giảm.

Hợp đồng ngô giao tháng 3/2021 được giao dịch nhiều nhất tăng 3,75 cent, hay 0,84%, lên 4,51 USD/bushel.

Giá lúa mỳ giao cùng kỳ giảm 2,75 cent, hay 0,44%, xuống 6,27 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng Ba tăng 4,5 cent, hay 0,36%, lên 12,645 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Công ty nghiên cứu AgResource nhận định giá đậu tương tăng trước yêu cầu phải hạn chế nhu cầu với đậu tương của Mỹ khi nhu cầu cao còn nguồn cung hạn chế, trong khi giá lúa mỳ giảm trong phiên giao dịch trước Giáng Sinh.

Khối lượng giao dịch giảm trước ngày nghỉ lễ và trong thời điểm sắp hết năm. Chỉ còn bốn phiên giao dịch trước khi khép lại năm 2020 và các nhà quản lý quỹ không sẵn sàng mạo hiểm và cũng không có lý do để bán ra.

Nhu cầu ngô của Mỹ có thể sẽ tăng mạnh vào tháng 1/2021, nhờ nhu cầu của Trung Quốc. AgResource cho rằng nhu cầu mạnh lên sẽ đẩy giá ngô và đậu tương kỳ hạn tại CBOT tăng.

AgResource dự báo xu hướng giá cả tại CBOT sẽ tiếp tục đi lên.

Thị trường gạo châu Á cho thấy, giá gạo Thái Lan tuần qua chạm mức cao nhất trong hơn sáu tháng và giá gạo Việt Nam vẫn ở mức cao chín năm, mặc dù các nhà giao dịch tại Hà Nội nhận định việc nhập gạo từ Campuchia sẽ làm giảm bớt tình trạng thiếu hụt.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 516-520 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 11/6, so với 500-519 USD/tấn trong tuần trước.

Các nhà giao dịch cho rằng nguồn cung giảm đã hỗ trợ giá gạo. Nhu cầu vẫn thấp, song thị trường nhận định nhu cầu mua sẽ đến từ Nhật Bản trong những tuần tới.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam không thay đổi so với tuần trước đó, ở mức 500 USD/tấn, cao nhất từ tháng 12/2011.

Các nhà giao dịch cho rằng tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt 6-6,2 triệu tấn, thấp hơn mục tiêu 6,5 triệu tấn được đề ra trước đó.

Một nhà giao dịch tại thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hoạt động giao dịch vẫn chậm khi nguồn cung trong nước thấp, nhưng việc nhập gạo từ Campuchia có thể làm dịu bớt tình trạng thiếu hụt.

Nhu cầu được cho là sẽ tăng trong những ngày tới và tình hình xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ khả quan trong năm 2021, với nhu cầu khá cao từ Philippines./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục