Hàng trăm người tại Hungary vừa xuống đường tuần hành để phản đối kế hoạch dựng tượng một cựu bộ trưởng có quan điểm ủng hộ phátxít trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Tham gia cuộc tuần hành còn có các nhà ngoại giao nước ngoài, trong đó có Mỹ. Những người biểu tình đã phản đối chính quyền thành phố Szekesfehervar, ở phía Tây Nam Budapest về kế hoạch dựng tượng ông Balint Homan.
Ông Homan từng giữ chức bộ trưởng trong Chính phủ Hungary hồi thập niên 1930. Ông này có quan điểm bài Do Thái và thúc đẩy cho việc thông qua một dự luật chống Do Thái vào năm 1944.
Theo luật được thông qua khi đó, Chính phủ Hungary dưới sự lãnh đạo của đảng Thập tự mũi tên (Arrow Cross) theo chủ nghĩa phátxít đã vây bắt và đưa người Do Thái sang các trại tập trung của phátxít Đức.
Ông Homan bị cáo buộc tổ chức sát hại hàng nghìn người Do Thái bên bờ sông Danube. Sau này, ông Homan bị xử tù chung thân vì đã bỏ phiếu ủng hộ tuyên bố chiến tranh chống lại Liên Xô trước đây vào năm 1941. Ông này chết trong tù vào năm 1951.
Sau khi Đức xâm lược Hungary, khoảng 424.000 người Do Thái bị bắt sang lò thiêu Auschwitz và gần như tất cả đã chết.
Có tin cho rằng khoảng 565.000 người Do Thái ở Hungary đã bị giết trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Hoạt động biểu tình phản đối trên diễn ra sau khi Thị trưởng Szekesfehervar thông báo một quỹ tư nhân muốn dựng tượng ông Balint Homan.
Cộng đồng Do Thái ở Hungary đã kêu gọi chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Victor Orban ngăn chặn việc dựng tượng này./.