Biểu tình rầm rộ tại trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở Bulgaria

Căng thẳng đã gia tăng tại khu tị nạn lớn nhất ở Bulgaria khi hàng trăm người di cư Afghanistan phát động một cuộc biểu tình nhằm yêu cầu được phép tiếp tục chuyến hành trình đến các nước Tây Âu.
Biểu tình rầm rộ tại trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở Bulgaria ảnh 1Trẻ em tị nạn Afghanistan đợi để hồi hương theo chương trình của UNHCR tại Nowshera, Pakistan. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 24/10, căng thẳng đã gia tăng tại khu tị nạn lớn nhất ở Bulgaria khi hàng trăm người di cư Afghanistan phát động một cuộc biểu tình nhằm yêu cầu được phép tiếp tục chuyến hành trình đến các nước Tây Âu.

Ủy ban về Nhân quyền Helsinki của Bulgaria cho biết khoảng 300 người di cư đã tuần hành tại trung tâm tiếp nhận Harmali gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Iliana Savova​ cho biết những người biểu tình phản đối việc bị mắc kẹt ở Bulgaria vì nguyện vọng của họ là tiếp tục hành trình đến Serbia và từ đó vào các nước Tây Âu.

Bộ Nội vụ Bulgaria cũng đã xác nhận tình hình căng thẳng đang gia tăng tại trung tâm tiếp nhận Harmali, nơi hiện có 3.800 di dân đang cư trú. Giới chức nước này cũng cho biết thêm các cuộc đàm phán với những người biểu tình vẫn đang diễn ra.

Hơn 1 triệu người tị nạn chạy trốn khỏi xung đột và nghèo đói ở các quốc gia Trung Đông, châu Á và châu Phi đã đến châu Âu trong năm ngoái.

Hầu hết những người di cư và tị nạn này đều đến Hy Lạp thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có đường biên giới chung với Bulgaria.

Theo số liệu thống kê của Bulgaria, hiện có khoảng 13.000 người di cư, trong đó 70% là người Afghanistan và 12% người Syria, đang bị mắc kẹt trên lãnh thổ Bulgaria trong bối cảnh các nước quá cảnh dọc tuyến đường Tây Balkan siết chặt kiểm soát an ninh biên giới.

Hồi tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker​ cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định cấp cho Bulgaria 108 triệu euro nhằm giúp nước này tăng cường bảo vệ đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những tuyến đường chính mà người di cư sử dụng để đến châu Âu.

Kể từ ngày 6/10, Cơ quan Phòng vệ biển và biên giới của châu Âu (EBCG), lực lượng được tăng cường để bảo vệ biên giới của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã được triển khai tại biên giới Bulgaria-Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh "lục địa già" đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm một giải pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục