Ngày 20/10, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc tại thủ đô Brussels của Bỉ.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày tập trung thảo luận cuộc khủng hoảng người di cư, các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, giải quyết bất đồng liên quan tới Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện với Canada (CETA).
Về vấn đề người di cư, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết lãnh đạo EU sẽ tập trung đặc biệt vào hợp tác với các nước, nơi người di cư ra đi cũng như các nước trung chuyển ở châu Phi.
Dù kế hoạch phân bổ 120.000 người tị nạn từ Italy và Hy Lạp sang các quốc gia thành viên khác đã được các Bộ trưởng Nội vụ EU thông qua cách đây hơn một năm, nhưng đến nay Czech, Ba Lan, Hungary và Slovakia vẫn kiên quyết không chấp nhận cùng “gánh vác” khó khăn. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy các thành viên này sẽ thay đổi lập trường.
Liên quan đến các vấn đề thương mại, hội nghị dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy các nước thành viên, đặc biệt là Bỉ, phê chuẩn hiệp định CETA với Canada. Nhiều ý kiến lo ngại rằng CETA sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm và mở đường cho một thỏa thuận tương tự với Mỹ, vốn được cho là đe dọa hạ thấp các tiêu chuẩn về tiêu dùng, quyền lao động, bảo vệ môi trường tại châu Âu cũng như trong các lĩnh vực quan trọng như y tế và phúc lợi xã hội.
Ngoài ra, lãnh đạo các nước EU cũng thảo luận về chính sách đối với Nga, bao gồm cả vai trò của nước này tại Syria. Cho đến nay, những cấm vận về thương mại mà EU áp đặt với Nga đang vấp phải sự phản đối của không ít nước thành viên EU, trong đó có Hy Lạp, Síp, Hungary và Áo.
Một số nước như Pháp, Ba Lan đang thúc đẩy để đưa ra các biện pháp trừng phạt tiếp theo, tạo sức ép lên Moskva về vấn đề Syria. Tuy nhiên, đây sẽ là một quyết định khó khăn vì mở rộng cấm vận với Nga, EU cũng sẽ phải gánh chịu thêm những thiệt hại cho nền kinh tế vốn vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau chuỗi khủng hoảng liên tiếp./.