Bình Định: "Tàu 67" nằm bờ không mua được bảo hiểm, ngư dân điêu đứng

Bị bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm, các chủ tàu vỏ thép đôn đáo làm đơn gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, Ban Chỉ đạo Nghị định 67 của tỉnh "cầu cứu" nhưng đến nay vẫn không nhận được hồi âm.
Bình Định: "Tàu 67" nằm bờ không mua được bảo hiểm, ngư dân điêu đứng ảnh 1Một tàu 67 neo ở cảng Đề Gi (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Đang vụ khai thác thủy sản nhưng nhiều tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định phải nằm bờ vì không mua được bảo hiểm tàu cá khiến ngư dân điêu đứng.

Những ngày này, trong khi những tàu cá nối nhau vươn khơi thì 5 con tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ/CP của Chính phủ (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản vẫn nằm phơi mưa nắng tại cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).

Các chủ tàu vỏ thép cho biết, từ 3-4 tháng nay tàu của họ phải nằm bờ vì Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định (PJICO Bình Định) thuộc Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex bất ngờ ngừng bán bảo hiểm tàu cá cho họ. Không mua được bảo hiểm, ngân hàng không cho các tàu này ra khơi vì lo gặp rủi ro.

Tàu vỏ thép BĐ 99168 TS của ngư dân Lê Ngô Hát, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã hết hợp đồng bảo hiểm từ đầu tháng 7/2019 nhưng đến nay vẫn phải neo ở cảng Đề Gi vì không mua được bảo hiểm.

Chủ tàu Lê Ngô Hát ngán ngẩm: “Tôi liên tục lên Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định để hỏi mua bảo hiểm nhưng họ đều từ chối. Họ bảo bán bảo hiểm cho tàu vỏ thép theo Nghị định 67 lỗ quá, không có tiền đền bù. Không mua được bảo hiểm tàu cá, ngân hàng không cho tàu ra khơi. Chúng tôi biết làm sao khi còn nợ ngân hàng hơn chục tỷ đồng.”

[Bất cập khi triển khai Nghị định 67: Nhiều con tàu nằm bờ]

Hiện ở cảng Đề Gi còn có 4 tàu vỏ thép khác là tàu BĐ 99016 (chủ tàu Lê Văn Thãi), BĐ 99169 TS (chủ tàu Nguyễn Ngọc Châu), BĐ 99086 TS (Đinh Công Khánh) và BĐ 99160 TS (Thái Văn Duyệt) cũng đang nằm bờ vì không mua được bảo hiểm.

Ông Lê Văn Thãi cho biết, ông mua bảo hiểm thân tàu và máy tàu của Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định, với khoản tiền 28 triệu đồng, thời hạn từ tháng 7/2018 đến tháng 7/2019. Tuy nhiên, khi bảo hiểm hết hạn, ông Thãi mua tiếp bảo hiểm cho tàu cá của mình thì công ty bảo hiểm từ chối bán khiến tàu của ông bị “giam lỏng” hơn 3 tháng nay, nợ ngân hàng ngày càng chồng chất.

Bị bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm, các chủ tàu vỏ thép chạy đôn chạy đáo làm đơn gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, Ban Chỉ đạo Nghị định 67 của tỉnh "cầu cứu" nhưng đến nay vẫn không nhận được hồi âm. Theo ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Định, quy định đối với tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 là các chủ tàu phải cam kết mua đầy đủ bảo hiểm mới được hoạt động.

Tàu vỏ thép là tài sản hình thành từ vốn vay, ngân hàng không cho tàu ra khơi khi không có bảo hiểm, bởi nếu gặp rủi ro trên biển sẽ không thu hồi được vốn vay.

Ông Nguyễn Hướng Nam, Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định cho rằng, việc bán bảo hiểm cho tàu vỏ thép đang chờ ý kiến của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex. Bởi 4 năm qua tham gia Nghị định 67, Tổng công ty bị tổn thất quá lớn, cần dừng để đánh giá lại.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Phan Trọng Hổ cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex về việc ngư dân không mua được bảo hiểm tàu vỏ thép nhưng chưa nhận được phản hồi.

Sở cũng đã làm việc với các Công ty bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Minh, nhưng các đơn vị này chỉ bán bảo hiểm cho tàu cá vỏ gỗ, còn bảo hiểm tàu vỏ thép giá trị cao họ không tham gia.

Ông Hổ cho biết đến cuối năm 2019, Bình Định có thêm 23 tàu vỏ thép khác cũng sẽ hết hạn bảo hiểm. Do đó, tỉnh sẽ kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, sớm có giải pháp tháo gỡ giúp ngư dân vươn khơi.

Để đóng mới một tàu vỏ thép theo Nghị định 67, ngư dân phải vay vốn ngân hàng từ 15-20 tỷ đồng. Từ khi hạ thủy đến nay, tàu vỏ thép đi nhiều chuyến biển lỗ do chi phí sản xuất tăng cao, giá cá bấp bênh, trong khi tiền gốc, tiền lãi ngân hàng tháng nào cũng phải trả. Nhiều chủ tàu vỏ thép hiện bị liệt vào danh sách nợ xấu của ngân hàng.

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định, đến thời điểm này các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng tín dụng với 62 khách hàng đóng mới tàu theo Nghị định 67; trong đó, có 48 tàu chủ tàu vỏ thép.

Dư nợ cho vay hiện tại đã lên đến 869 tỷ đồng; trong đó, có 46 chủ tàu vỏ thép dính phải nợ quá hạn với số tiền hơn 208 tỷ đồng.

Trong danh sách nợ quá hạn có nhiều ngư dân nợ quá hạn gần chục tỷ đồng, có người đã bỏ trốn khỏi địa phương vì vay tín dụng đen không có tiền trả. Do làm ăn thua lỗ, một số ngư dân không có khả năng trả nợ có ý định đòi trả lại tàu vỏ thép cho ngân hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục