Bình Dương: Thị trường lao động "ấm lên" ở các khu công nghiệp

Từ ngày 1/8 đến đầu tháng 9/2020 có gần 1.000 lượt doanh nghiệp vốn đầu tư trong và ngoài nước đăng ký thông báo đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương để tuyển dụng hơn 13.000 lao động.
Bình Dương: Thị trường lao động "ấm lên" ở các khu công nghiệp ảnh 1Công nhân sản xuất giày da tại Khu công nghiệp Sóng Thần, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Thị trường tuyển dụng lao động đang "ấm lên" tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương khi nhu cầu tuyển dụng lao động phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp đã tăng trở lại.

Cụ thể, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương từ ngày 1/8 đến đầu tháng 9/2020 có gần 1.000 lượt doanh nghiệp vốn đầu tư trong và ngoài nước đăng ký thông báo đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tuyển dụng hơn 13.000 lao động.

Số lao động cần tuyển gấp chủ yếu là lao động phổ thông đã tăng hơn 26% so với hồi tháng 7.

Hiện phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp đều đăng ký tuyển dụng người lao động ngành may mặc, giày da, điện tử...

Ghi nhận quanh các khu công nghiệp Bình Dương có nhiều nhà máy dán thông báo tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Đơn cử, Công ty Trách nhiệm hữu hạn SNP đóng tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP 2) chuyên về may quần áo thể thao cần tuyển 3.000 lao động, mức lương bình quân từ 8-11 triệu đồng/người/tháng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Master SoFa International có vốn đầu tư nước ngoài đóng tại Khu công nghiệp VSIP IIA thông báo tuyển gấp 1.000 lao động với mức lương từ 7-12 triệu đồng/người/tháng; Nhà máy sản xuất giày da Youngin Vina Bình Dương đóng tại thành phố Thuận An cần tuyển công nhân may với mức lương bình quân là 10 triệu đồng/người/tháng.

[Tăng cường dự báo thị trường lao động, kết nối cung-cầu nguồn nhân lực]

Theo bà Đặng Thị Ngọc Thiên Hương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, những tháng trước thị trường lao động gần như "đóng băng," bởi đa số các nhà máy đều khó khăn, thậm chí tạm thời ngừng sản xuất khiến số lao động thất nghiệp gia tăng nhanh.

Những tín hiệu tốt từ thị trường tuyển dụng lao động "nóng" lại trong một tháng trở lại đây đã cho thấy các nhà máy đang dần ổn định sản xuất.

Từ đầu năm 2020 đến nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tại tỉnh Bình Dương 3.999 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký gần 26.955 tỷ đồng. Đây là cơ sở đảm bảo về dư địa việc làm tại Bình Dương là rất lớn.

Theo kế hoạch năm 2020, số doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng hơn 46.000 lao động; trong đó tập trung phần lớn là ngành may mặc, giày da và chế biến đồ gỗ, ngành điện tử.

Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 đã ảnh hưởng khá lớn đến các doanh nghiệp, hơn 50 ngàn lao động ở Bình Dương bị mất việc làm và đang hưởng hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục