Bộ Lao động dự báo hai xu hướng diễn biến thị trường lao động quý 2

Trong quý 2, do ảnh hưởng của dịch bênh COVID-19, hàng triệu động sẽ bị ngừng việc và hàng trăm nghìn lao lao động có thể sẽ mất việc làm.
Bộ Lao động dự báo hai xu hướng diễn biến thị trường lao động quý 2 ảnh 1Nhiều công ty phải thu hẹp sản xuất do dịch COVID-19. (Ảnh minh hoạ: Trần Việt/TTXVN)

Căn cứ vào dự báo kinh tế Việt Nam, khảo sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và các kịch bản diễn biến của dịch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dự báo thị trường lao động có 2 xu hướng.

Nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính trong quý 2, sẽ có trên 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và hàng triệu lao động bị ngừng việc.

Còn trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính trong quý 2, sẽ có từ 350.000-400.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 2-3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ước tính các ngành công nghiệp chế biến-chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với số người chịu ảnh hưởng chiếm khoảng 75-85% tổng số bị ảnh hưởng theo các ước tính ở trên.

[Bộ Lao động hướng dẫn trả lương cho người bị ngừng việc do COVID-19]

Do tác động bởi dịch COVID-19, sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch ảnh hưởng đến nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất. Một số người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp khó khăn, hoặc phải tuân thủ các quy định về cách ly phòng chống dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận định các ngành mà sử dụng lao động lớn nhất như dệt may, hàng không, dịch vụ, du lịch... đang là những ngành bị tác động mạnh của COVID-19 do thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc, khách du lịch chiếm tỷ trọng lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... không đến hoặc bị tạm dừng cấp thị thực đến Việt Nam do dịch bệnh.

Hiện nay, các doanh nghiệp ngành khác đều sản xuất cầm chừng vì để “nghe ngóng” tình hình sự phát triển của dịch bệnh nên các chiến dịch tuyển dụng lao động như mọi năm đều cắt giảm. Mặt khác, người lao động Việt Nam do dịch bệnh chưa sẵn sàng quay trở lại làm việc nên mặc dù doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng tuyển dụng không hề dễ dàng do thiếu nguồn cung.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động đến thị trường lao động còn thể hiện qua các chỉ số về nhu cầu tuyển lao động ở tất cả các địa phương đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, mức độ giảm dao động từ 20-30%, thậm chí có nơi giảm mạnh như: Thành phố Hồ Chí Minh tới 40%, thành phố Hà Nội 36,7% (Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội từ đầu năm đến nay mới tiếp nhận thông tin của gần 700 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động với 7.150 vị trí tuyển dụng)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục