"Bình Thuận cần phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế để phát triển"

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Bình Thuận cần làm rõ những tồn tại, hạn chế để phát huy tiềm năng, thế mạnh, vươn lên phát triển mạnh mẽ.
"Bình Thuận cần phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế để phát triển" ảnh 1 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tiếp tục chuyến thăm, làm việc tại Bình Thuận, sáng 4/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn.

Bình Thuận có diện tích tự nhiên gần 8.000km2, bờ biển dài 192km, vùng lãnh hải rộng 52.000km2; dân số khoảng 1,2 triệu người, với 35 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đảng bộ tỉnh có 15 đảng bộ trực thuộc, với 509 tổ chức cơ sở Đảng, 27.231 đảng viên.

Sáu tháng đầu năm nay trong bối cảnh nhiều khó khăn, song với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng bộ, tình hình chung của tỉnh tiếp tục ổn định, nhiều mặt có chuyển biến tích cực.

Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8,6%, sản xuất công nghiệp trên đà phục hồi, tốc độ tăng trưởng cao hơn các ngành khác. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, toàn tỉnh đã đón hơn 1,8 triệu lượt khách, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu du lịch đạt 3.185 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong sản xuất nông nghiệp, mô hình cánh đồng lúa năng suất cao tiếp tục được triển khai; sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP được đẩy mạnh; đến nay tỉnh đã trồng được hơn 21.000ha thanh long và hơn 42.000ha cao su.

Khai thác hải sản xa bờ được đẩy mạnh, toàn tỉnh hiện có hơn 7.500 tàu thuyền, trong đó hơn 2.200 thuyền có công suất từ 90CV trở lên; sản lượng khai thác đạt 78.600 tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là tiếp tục khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) được chỉ đạo thường xuyên, liên tục, gắn chặt với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, cả về chính trị-tư tưởng, tổ chức-cán bộ, kiểm tra giám sát nên ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, tác phong công tác của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trong tỉnh đã được chấn chỉnh, nâng lên một bước.

Những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của tỉnh được triển khai tích cực và đạt kết quả cao; số vụ tham nhũng tiêu cực trên các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng căn bản được kiềm chế; công tác quản lý cán bộ đảng viên, công chức, viên chức chặt chẽ hơn trước; vai trò của tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp được phát huy tốt hơn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bình Thuận vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, đáng quan tâm nhất là hiệu quả khắc phục sự phát triển thiếu bền vững của nền kinh tế chưa rõ; hệ thống kết cấu hạ tầng còn khó khăn; tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm; chất lượng nguồn nhân lực thấp.

Để tạo điều kiện cho Bình Thuận phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh hơn, tỉnh kiến nghị Trung ương tăng vốn đầu tư các công trình, dự án đang thi công dở dang và tiếp tục hỗ trợ các công trình hạ tầng khác như thủy lợi, kè chống xâm thực, khu neo đậu tàu thuyền...

Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của tỉnh Bình Thuận cả về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.

Tổng Bí thư yêu cầu đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bình Thuận tập trung làm rõ những thành tựu, kết quả nổi bật mà Bình Thuận đã đạt được trong thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc cần tập trung tháo gỡ để Bình Thuận phát huy tiềm năng, thế mạnh, vươn lên phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực và cả nước.

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận buổi làm việc, bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển rất rõ nét, khá toàn diện của Bình Thuận thời gian qua.

Tổng Bí thư hoan nghênh tỉnh đã có cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng thay đổi. Tỉnh đã khai thác ngày càng tốt hơn tiềm năng, thế mạnh về khai thác khoáng sản, phát triển kinh tế biển, phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như thanh long, cao su, hải sản xuất khẩu...

Tổng Bí thư đánh giá đời sống nhân dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 4,8% (cả nước còn 8,5%).

Tổng Bí thư hoan nghênh Bình Thuận có quyết tâm cao và cách làm hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư phân tích rõ một trong những nguyên nhân đạt được kết quả trên là do Bình Thuận đã đổi mới phương thức, phong cách làm việc theo hướng quyết liệt, cụ thể, chặt chẽ, tập trung, không hình thức, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Điều này thể hiện rõ qua việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng cũng như triển khai Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị Khóa XI về phát triển tỉnh Bình Thuận đến năm 2020.

Hay trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã tiến hành nghiêm túc, không chạy theo thành tích. Điều quan trọng là Bình Thuận đang có khí thế đi lên, băn khoăn, trăn trở với những việc chưa làm được, day dứt với những việc còn yếu kém và quyết tâm sắp tới phải sửa bằng được những hạn chế, yếu kém đó. Đây là bài học tốt trong công tác xây dựng Đảng, bởi yếu tố con người là quyết định mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu làm trước, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, có hiệu quả cụ thể thì dân mới tin.

Tổng Bí thư cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ mà Đảng bộ Bình Thuận đã đề ra trong thời gian tới, đồng thời nhấn mạnh, cần nhận rõ tình hình, thời cuộc từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và đến năm 2020, bên cạnh mặt thuận lợi cơ bản, còn không ít khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, cần chuẩn bị thật tốt phương án đối phó, chủ động trước diễn biến tình hình, không được chủ quan. Kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, muốn kinh tế phát triển thì đất nước phải ổn định, Đảng phải thực sự trong sạch vững mạnh.

Việc chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp sắp tới cũng là dịp để rà soát lại, tổng kết cho thật tốt, đề ra phương hướng nhiệm vụ cho sát hợp, chấn chỉnh lại công việc mà chúng ta đang làm để tiếp tục phát triển, đi lên.

Tổng Bí thư mong tỉnh chuẩn bị kỹ cả công tác nhân sự, xây dựng văn kiện, tổng kết thực tiễn địa phương, đề ra chủ trương quyết sách sát hợp, khả thi, đóng góp kinh nghiệm cho Trung ương. Đồng thời Bình Thuận vẫn phải tiếp tục triển khai các công việc đang làm, rà soát các chỉ tiêu đã đề ra, tập trung hoàn thành tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, rà soát lại những việc khó, việc phức tạp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, sớm hoàn thiện các dự án, chọn một số việc trọng tâm trọng điểm để tập trung chỉ đạo thực hiện.

Tổng Bí thư chỉ rõ Bình Thuận cần phát triển mạnh kinh tế biển, phát huy lợi thế là một trong ba nơi có ngư trường lớn nhất cả nước, gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đặc biệt là giữ cho được chủ quyền, tập trung xây dựng đảo Phú Quý trong chiến lược phát triển chung của đất nước; chống nước biển xâm thực, xói lở bờ biển, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giữ gìn bảo vệ môi trường.

Tổng Bí thư nhấn mạnh cùng với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ chủ quyền đất nước, Bình Thuận cần thường xuyên chăm lo công tác xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, chống cho được suy thoái, tiêu cực, tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ.

Không vì nhiệm vụ phát triển kinh tế mà quên nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng, tư tưởng chính trị có tốt, đạo đức trong sạch, quan hệ với dân tốt mới được dân tin, cán bộ có tốt mới thành công được. Làm tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng là nhân tố quyết định để thực hiện tốt các nhiệm vụ khác. Bình Thuận cần phát huy những thành tích đã đạt được, những kinh nghiệm vừa qua đã có.

Tổng Bí thư nêu rõ những kiến nghị của Bình Thuận đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương, Chính phủ đang triển khai chỉ đạo thực hiện, các bộ, ngành ủng hộ, nhưng cụ thể từng việc cần tiếp tục bàn bạc, tháo gỡ, cái chính là nguồn lực đầu tư, cơ chế chính sách, phải phối hợp chặt chẽ, thực hiện có trọng tâm trọng điểm.

Tổng Bí thư mong muốn từ nay đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, với khí thế mới, quyết tâm mới, Bình Thuận tiếp tục thu được nhiều kết quả rõ nét, tạo đà chuyển biển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.

Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Nhà máy phong điện 1 Bình Thuận, giai đoạn 1, đặt tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.

Đây là dự án điện gió đầu tiên của Việt Nam, có công suất 30MW; đã hòa lưới điện quốc gia từ tháng 8/2009.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy vận hành ổn định, an toàn, góp phần tăng sản lượng điện quốc gia. Sản lượng điện phát lên lưới lũy kế hơn 200 triệu kWh, sản lượng điện trung bình 6.500 MW/tháng, giảm phát khí thải nhà kính 138.000 tấn CO2.

Dự án đã thể hiện được hiệu quả và tiềm năng phát triển điện gió ở Việt Nam, là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển ngành điện gió ở Việt Nam cũng như tại Bình Thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục