Bình Thuận là địa phương đầu tiên không còn tàu “3 không”

Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, với việc hoàn thành đăng ký tạm cho tàu cá, Bình Thuận là địa phương đầu tiên trong cả nước không còn tàu “3 không.”

(Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Tính đến cuối tháng 3/2024, Bình Thuận đã hoàn thành cấp đăng ký tạm thời cho hơn 2.380 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Đây là một trong những nỗ lực của địa phương nhằm khắc phục một trong những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để chung tay gỡ thẻ vàng thủy sản về chống khai thác IUU (khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định).

Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, với việc hoàn thành đăng ký tạm cho tàu cá, Bình Thuận là địa phương đầu tiên trong cả nước không còn tàu “3 không.”

Mặc dù hình thức đăng ký chưa chính thức do vướng một số quy định đang chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT để xử lý cấp đăng ký tàu cá chính thức và cấp giấy phép khai thác thủy sản, nhưng bước đầu địa phương đã đưa vào quản lý 100% nhóm tàu cá này.

Điều này sẽ giúp quản lý tốt hoạt động khai thác thủy sản; đồng thời, cơ quan chức năng sẽ kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; đánh bắt sai vùng, sai tuyến.

Việc cấp đăng ký tạm thời cho tàu cá “3 không” không chỉ mang lại hiệu quả trong quản lý, giám sát tàu cá mà còn góp phần đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển.

Ngư dân Đặng Thành Tâm, xã Tân Hải, thị xã La Gi cho biết, trước đây vì một số lý do nên chưa thực hiện được việc đăng ký tàu cá. Sau khi được hỗ trợ được đăng ký tạm thời giúp ngư dân an tâm hơn trong mỗi chuyến đi biển; không còn lo sợ khi gặp các lực lượng chức năng kiểm tra trên biển.

Thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tập trung triển khai hoàn thành đăng ký, đăng ký tạm thời đối với các tàu cá “3 không”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các sở, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố vùng biển tổ chức triển khai việc thống kê toàn bộ tàu cá từ 6 mét trở lên chưa đăng ký đến địa bàn cấp xã, thôn.

Đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai đăng ký, đăng ký tạm thời đối với các tàu cá “3 không” đang hoạt động để theo dõi, quản lý trước khi Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực thi hành.

Qua rà soát, thống kê, toàn tỉnh Bình Thuận có số tàu cá phát sinh, tồn đọng chưa đăng ký trên địa bàn tỉnh là 2.380 chiếc, tập trung ở các địa phương như: Tuy Phong, Bắc Bình, thành phố Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, La Gi, Hàm Tân và Phú Quý.

Đây là các tàu cá chưa đăng ký lại theo quy định của Luật Thủy sản 2017; tàu cá phát sinh từ đóng mới, cải hoán, mua bán có giấy tờ hợp pháp nhưng chưa đăng ký; tàu cá đã đăng ký mua bán, đổi chủ chưa thực hiện thủ tục sang tên nhưng đã thực hiện cải hoán tàu cá; tàu cá mua từ ngoài tỉnh chưa đăng ký lại…

Do số lượng tàu cá “3 không” hoạt động tại vùng bờ khá lớn nhưng không đáp ứng các điều kiện, thủ tục để thực hiện đăng ký tàu cá chính thức đã dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng lộng, vùng bờ.

Cụ thể, tính đến ngày 25/3, tỉnh Bình Thuận thực hiện cấp 1.690 giấy phép khai thác thủy sản vùng lộng (chiếm 84,67%) và 1.428 giấy phép khai thác thủy sản vùng bờ (chiếm 39,84%).

Riêng kết quả thực hiện hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ khá sát với thực tế (đạt 99%).

Để đảm bảo cho tất cả các tàu cá trong tỉnh hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU, tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bổ sung cho Bình Thuận 77 giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi; dùng để cấp cho số tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên thuộc diện “3 không” mới vừa rà soát.

Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho các địa phương giải quyết dứt điểm nhóm tàu cá “3 không” để đưa vào quản lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục