Giả mạo hồ sơ sẽ bị thu hồi văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là một trong những quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hóa mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) không xem xét cấp Văn bản chấp thuận cho thương nhân trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày nhà xuất khẩu đủ điều kiện đó bị thu hồi văn bản chấp thuận.
Thương nhân bị thu hồi văn bản chấp thuận sẽ được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương tại địa chỉ www.moit.gov.vn.
[Quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP]
Ngoài việc thu hồi văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thương nhân có hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất xứ theo quy định hiện hành.
Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu là cơ quan có thẩm quyền cấp văn bản chấp thuận để nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Thương nhân đáp ứng quy định đề nghị cấp văn bản chấp thuận và đính kèm hồ sơ qua Hệ thống www.ecosys.gov.vn.
Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị thu hồi trong những trường hợp giả mạo chứng từ, gian lận kê khai khi đề nghị cấp văn bản chấp thuận; giả mạo hồ sơ, chứng từ để tự chứng nhận xuất xứ; không thực hiện trách nhiệm của nhà xuất khẩu đủ điều kiện quy định tại Nghị định này.
Dự thảo Nghị định bổ sung Điều 25b (Tiêu chí tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa), Điều 25c (Cấp văn bản chấp thuận), Điều 25d (Thu hồi văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa), Điều 25đ (Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa), Điều 25e (Cho hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu có chứng từ tự chứng nhận xuất xứ) sau Điều 25.
Đặc biệt, dự thảo Nghị định nêu rõ, thương nhân được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải là nhà sản xuất, nhà xuất khẩu hàng hóa.
Trong trường hợp nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất, nhà xuất khẩu phải có cam kết bằng văn bản của nhà sản xuất về xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu và sẵn sàng hợp tác trong trường hợp kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất.
Bên cạnh đó, không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ; có hệ thống lưu trữ hồ sơ (hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử) đầy đủ để đảm bảo chứng minh tính xác thực của chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn lưu trữ theo quy định tại Nghị định này.
Ngoài ra, thương nhân phải có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo được Bộ Công Thương chỉ định cấp; được cấp ít nhất 30 bộ C/O ưu đãi/năm và thực hiện quy trình khai báo C/O điện tử qua Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (www.ecosys.gov.vn) đối với hàng hóa cùng nhóm HS (4 số) trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Văn bản chấp thuận.
Cơ quan có thẩm quyền tham khảo, ưu tiên xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ trong trường hợp: thương nhân được Bộ Công Thương công nhận là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín; thương nhân được Bộ Tài chính công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan./.