Thực hiện phương châm đối ngoại của Đảng, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế; từ truyền thống, đạo lý nhân đạo, tương thân, tương ái của dân tộc.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định cử lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam sang tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tất cả 76 quân nhân thuộc lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của Quân đội nhân dân Việt Nam đã sẵn sàng lên đường thực hiện sứ mệnh nhân đạo quốc tế, đồng thời bày tỏ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trách nhiệm đối với thể diện quốc gia
Đội Cứu sập (Binh chủng Công binh) sang Thổ Nhĩ Kỳ được biên chế nhiều trang bị, khí tài, thiết bị công binh hiện đại gọn nhẹ, cơ động.
Thiếu tá Trần Thế Thành, Trợ lý Tham mưu Tiểu đoàn 193, Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh Công binh cho biết ngay từ khi nhận nhiệm vụ, đơn vị đã quán triệt, xác định quyết tâm cho toàn đội về nhiệm vụ chính trị quan trọng này, từ đó làm công tác chuẩn bị, lập danh sách, lựa chọn cá nhân có trình độ, năng lực, chuyên môn, trình độ tiếng Anh tốt để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
[Đội Quân y sẵn sàng lên đường tham gia hỗ trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ]
Nhiệm vụ chính của đội là tìm kiếm các nạn nhân, cứu nạn, đưa các nạn nhân còn sống về vị trí an toàn và tiếp tục giải quyết, khắc phục hậu quả. Đây đều là những nhiệm vụ mà cán bộ, chiến sỹ Binh chủng Công binh đã thực hiện tại các cuộc diễn tập trong nước cũng như quốc tế.
Thiếu tá Trần Thế Thành cho hay toàn đội đã xác định tinh thần về những khó khăn khi sang thực hiện nhiệm vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là điều kiện thời tiết.
Đơn vị đã bàn bạc, đề ra biện pháp để đảm bảo điều kiện ăn ở của từng cá nhân và các phương án để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Toàn đội đã sẵn sàng giúp đỡ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất.
Tiếp tục lên đường vì nhiệm vụ quốc tế
Sáng 11/2, Tổng cục Hậu cần đã tổ chức Hội nghị giao nhiệm vụ cho Đội Quân y tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Là một trong 30 thành viên của Đội Quân y chuẩn bị đi làm nhiệm vụ, Thượng tá Văn Trọng Trung, Phó Chủ nhiệm Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 354 cho biết, anh rất đau lòng khi thấy cảnh đổ nát, chết chóc sau cơn động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, "tâm thế của anh em là rất nóng lòng được sang nước bạn, trực tiếp bắt tay vào hoạt động cứu trợ, cứu nạn."
Theo Thượng tá Văn Trọng Trung, các y, bác sỹ, nhân viên y tế của Đội Quân y đã chuẩn bị đầy đủ quân tư trang cho sinh hoạt trong điều kiện thời tiết mùa đông ở Thổ Nhĩ Kỳ; các trang thiết bị vật tư như máy móc, thuốc men, vật tư y tế, các dụng cụ phẫu thuật... cũng đã được sắp xếp đầy đủ.
Anh Trung cũng cho hay trong y học, cấp cứu thảm họa là chuyên ngành tương đối mới, đa số y bác sỹ mới chỉ được đào tạo trong học viện.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm tham gia cấp cứu, điều trị trong các đợt phòng, chống dịch COVID-19 ở phía Nam vừa qua, Thượng tá Văn Trọng Trung và đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế của Quân đội nhân dân Việt Nam tự tin sẽ tiếp cận được và nhanh chóng thích nghi, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Từng là bác sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại phái bộ UMISSS (Nam Sudan), tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (từ năm 2019-2021), Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Trọng Nghĩa (Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Quân y 354, Tổng cục Hậu cần) tiếp tục có mặt trong lực lượng tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ lần này.
Đại úy Lê Trọng Nghĩa chia sẻ: "Đêm qua tôi rất bất ngờ khi được Thủ trưởng, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 354 trực tiếp giao nhiệm vụ. Trước tình hình diễn biến động đất rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng về con người tại Thổ Nhĩ Kỳ, tôi luôn xác định mình là người lính, đảng viên sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Tổ quốc giao cho."
So với lần tham gia nhiệm vụ quốc tế 2 năm trước, Đại úy Lê Trọng Nghĩa cho biết, có lẽ điều khó khăn nhất của nhiệm vụ lần này chính là quá đột xuất, phải chuẩn bị gấp rất nhiều quân tư trang.
Ngay khi nhận nhiệm vụ từ Thủ trưởng Bệnh viện Quân y 354, anh Nghĩa đã tâm sự, động viên vợ vững tâm ở nhà. Cả đêm hai vợ chồng tất bật chuẩn bị đồ đạc là tư trang cá nhân cho chuyến đi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, nhất là khi phải làm việc trong điều kiện tiết rất khắc nghiệt, nhiệt độ dao động dưới 0 độ C, khác hẳn khi thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan trước đây.
Chó nghiệp vụ cùng lên đường làm nhiệm vụ
Điểm đặc biệt trong đợt lên đường hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất dịp này là sự có mặt của Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn (thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) gồm 9 thành viên bao gồm huấn luyện viên và chỉ huy, 6 chó nghiệp vụ.
Thiếu tá Trần Quốc Hương, Đội trưởng Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn chia sẻ, lực lượng huấn luyện viên chó nghiệp vụ rất vinh dự, tự hào được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Ban Giám hiệu Trường Trung cấp 24 Biên phòng tin tưởng giao nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Những cán bộ, huấn luyện viên được lựa chọn đều đã có nhiều kinh nghiệm tham gia tìm kiếm cứu nạn trong nước và quốc tế.
Thiếu tá Trần Quốc Hương khẳng định toàn đội sẽ nêu cao tinh thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật, phối hợp cùng các lực lượng chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức quốc tế khác trong công tác tìm kiếm cứu nạn một cách bài bản, hiệu quả, thể hiện được vai trò, vị thế cứu hộ cứu nạn, ứng phó thảm họa quốc tế của Bộ đội Biên phòng nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.
Theo Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, việc tham gia hoạt động cứu trợ của lực lượng huấn luyện viên và chó nghiệp vụ sẽ chịu nhiều tác động do thời tiết khắc nghiệt, thời gian di chuyển dài cùng cơ sở vật chất khó khăn.
Dựa trên kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn trước đây cũng như trách nhiệm với quốc tế, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến yêu cầu lực lượng huấn luyện viên chó nghiệp vụ cần nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn nguy hiểm, bảo đảm các biện pháp an toàn trong quá trình tìm kiếm cứu nạn, tuân thủ các mệnh lệnh, quy định của chỉ huy.
Chia sẻ tại Hội nghị giao nhiệm vụ cho lực lượng tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ chiều 10/2, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết hiện nay tại Việt Nam không có chuyến bay thẳng sang Thổ Nhĩ Kỳ, do đó, chúng ta đang khẩn trương liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, tích cực phối hợp, trao đổi thông tin với Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ để bố trí chuyến bay đưa lực lượng Quân đội của Việt Nam sang tham gia khắc phục hậu quả động đất sớm nhất có thể, dự kiến muộn nhất trong đêm 12/2/2023.
Cùng với 76 thành viên trong đoàn, lực lượng của Quân đội Việt Nam mang theo khối lượng hàng hóa, vật chất lớn (tổng cộng khoảng 30 tấn) để bảo đảm cho sinh hoạt cũng như công tác thực hiện nhiệm vụ của ta trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt; đồng thời viện trợ cho người dân bị nạn (khoảng 10 tấn).
Bộ Quốc phòng đã yêu cầu Cục Đối ngoại khẩn trương nhanh chóng liên hệ với phía Thổ Nhĩ Kỳ để có máy bay đưa cán bộ, chiến sỹ và vật chất bảo đảm từ Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ; liên hệ với cơ quan ứng phó thảm họa của Thổ Nhĩ Kỳ, thông báo trước về việc có bộ phận của Quân đội ta sang để phía bạn chủ động bố trí khu vực làm nhiệm vụ./.