Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Giải ngân vốn đầu tư công vẫn 'ì ạch'

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy giá trị vốn trong nước triển khai mới đạt 113.700 tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch được giao và vốn ngoài nước là 2.178 tỷ đồng, đạt 6% kế hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Giải ngân vốn đầu tư công vẫn 'ì ạch' ảnh 1Báo cáo phân công lãnh đạo bộ và địa phương phụ trách dự án đầu tư công phải được gửi đến Bộ Nội vụ để làm căn cứ đánh giá kết quả thi đua cuối năm. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực trạng giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng qua thấp. Số liệu giải ngân tính đến ngày 31/5 ghi nhận tổng giá trị thanh toán là 115.900 tỷ đồng, bằng 22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ì ạch giải ngân

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến ngày 31/5, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là 481.200 tỷ đồng, tương ứng đạt 93% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Tuy nhiên trên thực tế, giá trị vốn trong nước triển khai thực hiện mới đạt 113.700 tỷ đồng, bằng 23% kế hoạch và vốn ngoài nước là 2.178 tỷ đồng, đạt 6% kế hoạch.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra nguyên nhân chủ quan chính dẫn đến việc giải ngân vốn diễn ra ì ạch trong 5 tháng qua là bởi tinh thần, trách nhiệm của chủ đầu tư và các cấp chưa thật được quan tâm và chưa quyết liệt, sâu sát.

Người đứng đầu ngành đầu tư nhấn mạnh trong cùng một điều kiện, một thể chế như nhau song nhiều địa phương thực hiện giải ngân cao nhờ có nhiều mô hình hay và cách làm tốt.

“Do vậy, vấn đề ở đây là có những địa phương còn chưa quan tâm, chỉ đạo chưa tốt cũng như công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế và việc lập, chuẩn bị dự án, kế hoạch vốn còn chưa sát,” ông Dũng trao đổi.

Thực tiễn cho thấy nhiều nơi công tác chuẩn bị, tư vấn, lập dự án, thẩm định bị mất nhiều thời gian đồng thời chất lượng dự án còn chưa tốt. Thêm vào đó, một số nơi thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn có nhiều bất cập. Một số Ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực và chuyên môn.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh 2022 là năm quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Hơn nữa, đây là năm đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng, tạo nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của đất nước, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng.

Do đó, việc đẩy nhanh giải ngân và nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội các dự án đầu tư công nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trước mắt và lâu dài.

Vì vậy, để giải ngân 100% kế hoạch được Quốc hội quyết định, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân công rõ các lãnh đạo phụ trách từng dự án. Báo cáo phân công này phải được gửi đến Bộ Nội vụ để làm căn cứ đánh giá kết quả thi đua cuối năm. Kết quả giải ngân của từng dự án là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất... hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện với tiêu chí công khai, minh bạch, từ đó tạo sự tin tưởng và đồng thuận của người dân trong việc triển khai thực hiện.

Trên cơ sở đó, người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trực tiếp xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc của các dự án được giao quản lý đang triển khai nhưng bị dừng lại do vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kết quả xử lý (bao gồm các kiến nghị nếu có).

Sẽ xử lý đơn vị không phân bổ hết kế hoạch được giao

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ đúng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, đề từ đó hạn chế tư duy nhiệm kỳ trong việc xây dựng, lựa chọn danh mục dự án đầu tư công, bảo đảm mục tiêu, hiệu quả đầu tư.

Trong đó, cơ quan chức năng sẽ xây dựng chế tài xử lý đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch được giao theo đúng thời gian quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước (trước ngày 31/12 năm kế hoạch), trả lại kế hoạch trong năm để khắc phục tình trạng lập kế hoạch không sát với khả năng thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần sớm sửa đổi và ban hành các quy định tại các Luật liên quan đến đầu tư công như Luật đất đai, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng,... bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.

Mặc khác, các cấp quản lý tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát các vướng mắc về thể chế làm chậm quá trình phân bổ, giải ngân dự án; trên cơ sở đó sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản,… và các Luật có liên quan bảo đảm hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công thống nhất, phân cấp triệt để gắn với trách nhiệm của từng cấp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục