Bộ Nội vụ: Giảm nhiều cấp phó, thể hiện năng lực người đứng đầu tốt

Thứ trưởng Bộ Nội Trần Anh Tuấn cho rằng số lượng cấp phó phù hợp khối lượng công việc, phạm vi quản lý của địa phương, càng giảm nhiều cấp phó, càng thể hiện được năng lực của người đứng đầu tốt.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Ngày 15/10, Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng.

Đẩy mạnh phân cấp và ủy quyền

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của thành phố trong thời gian tới.

Để triển khai Nghị quyết, cần có nghị định của Chính phủ quy định một số nội dung cụ thể.

Nhằm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố mong muốn các bộ, ngành quan tâm xây dựng nghị định trên cơ sở tạo thuận lợi nhất để thành phố xây dựng hệ thống chính quyền hiệu lực, hiệu quả, phát triển và thành phố chủ động hơn trong triển khai các chủ trương này.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban soạn thảo, dự thảo Nghị định quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị gắn với Nghị quyết 119 của Quốc hội.

Việc tổ chức thực hiện chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Nội dung mới của Nghị quyết 119 thể hiện ở chỗ Ủy ban Nhân dân quận, phường là cơ quan hành chính nhà nước thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố. Ủy ban Nhân dân phường là cánh tay nối dài của Ủy ban Nhân dân quận. Ủy ban Nhân dân quận là cơ quan hành chính của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Dự thảo Nghị định do Bộ Nội vụ soạn thảo đẩy mạnh phân cấp và ủy quyền đối với Ủy ban Nhân dân quận, phường nhưng vẫn phải bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của chính quyền thành phố Đà Nẵng.

Ủy ban Nhân dân quận, phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, không còn chế độ tập thể lãnh đạo như khi tổ chức một cấp chính quyền gồm Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân như hiện nay.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, phường không còn là cán bộ mà là công chức, được tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, quản lý theo quy định của pháp luật về công chức.

Cán bộ, công chức làm việc tại phường (đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội) chuyển từ cán bộ, công chức cấp xã thành cán bộ, công chức, thống nhất thực hiện một chế độ công vụ, công chức trong nền hành chính.

Để thực hiện tốt mô hình chính quyền đô thị, dự thảo Nghị định quy định một số nội dung để hoàn thiện mối quan hệ giữa Ủy ban Nhân dân quận, phường với các cơ quan, tổ chức khác, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự phối hợp giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân quận, phường.

Dự thảo Nghị định xác định lại mối quan hệ giữa Ủy ban Nhân dân phường với cộng đồng dân cư, làm rõ hơn, rành mạch hơn chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Nhân dân phường với hoạt động tự quản, khắc phục tình trạng chuyển việc từ Ủy ban Nhân dân phường sang cộng đồng dân cư.

Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Bộ Nội vụ Phan Văn Hùng đã thông tin về những điểm cơ bản của dự thảo Nghị định. Theo đó, Điều 4 quy định, Ủy ban Nhân dân quận gồm 8 cơ quan chuyên môn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận là công chức lãnh đạo, quản lý và là người đứng đầu quận. Số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân quận không quá 16 người.

Dự thảo Nghị định quy định biên chế công chức phường không quá 12 người. Căn cứ đặc điểm và tình hình thực tiễn cụ thể của từng quận và từng phường, Ủy ban Nhân dân thành phố trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp quyết định số lượng biên chế công chức làm việc tại từng Ủy ban Nhân dân phường.

[Bộ Nội vụ: Sắp xếp số lượng cấp phó theo đúng quy định của Chính phủ]

Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định hoặc phân cấp cho Ủy ban Nhân dân quận quyết định cụ thể số lượng công chức của từng vị trí chức danh công chức làm việc tại Ủy ban Nhân dân phường.

Đề nghị không giảm biên chế và số lượng cấp phó

Nhiều ý kiến tại Hội thảo băn khoăn về tính khả thi, phù hợp với thực tiễn quản lý cũng như khó khăn, vướng mắc khi triển khai áp dụng trên thực tế, đặc biệt là quy định về biên chế và số lượng cấp phó.

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng cho biết, qua lấy ý kiến về số lượng công chức cấp phường, dự thảo nghị định không nhận được sự đồng thuận của 45 phường thực hiện thí điểm.

Theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố), nếu không tính chức danh công chức là Trưởng Công an phường chính quy, số lượng Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường, các chức danh công chức khác tối đa là 14 người đối với phường loại 1, tối đa 12 người với phường loại 2.

Do đó, quy định của dự thảo Nghị định về số lượng công chức làm việc tại mỗi phường có không quá 12 người là chưa phù hợp với Nghị định 34, gây khó khăn cho các phường khi thực hiện nhiệm vụ.

Vừa qua, thực hiện Nghị định 34, đã giảm 10 công chức và cán bộ không chuyên trách của phường, nếu tiếp tục giảm nữa sẽ gây khó khăn, áp lực cho hệ thống chính trị cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ.

“Ủy ban Nhân dân phường đều phản ánh, kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh dự thảo nghị định theo hướng số lượng công chức làm việc tại Ủy ban Nhân dân phường tối đa là 15 người đối với phường loại 1, tối đa 13 người đối với phường loại 2, bao gồm cả công chức được điều động, luân chuyển như Nghị định 34 đã quy định,” ông Võ Ngọc Đồng nói.

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng đề nghị Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương giao biên chế cho thành phố bằng số lượng cán bộ, công chức của 45 phường hiện nay, tương ứng 315 biên chế cán bộ cấp phường và 659 biên chế công chức cấp phường; không quy định cứng 8 phòng chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân quận ngay trong nghị định.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy cho rằng, từ 12 phòng, ban nhập lại còn 8 phòng, trong đó nhiều phòng, ban chức năng, nhiệm vụ khác nhau, khi gộp 3 phòng lại thành một phòng, việc điều hành sẽ rất khó khăn.

Ngoài ra, dự thảo quy định quận có 16 cấp phó. Như vậy, trung bình mỗi phòng 2 cấp phó dẫn đến khó khăn trong công tác điều hành.

Tương tự, quận Hải Châu đề nghị giữ nguyên số lượng các phòng ban như cũ và nên giao các địa phương chủ động sắp xếp cho phù hợp. Đồng thời, số lượng cấp phó cũng không nên giảm về 16 người, bởi so với trước đây 26 người là giảm đến 8 cấp phó, rất khó cho các quận.

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh Niên (Bộ Nội vụ) Hoàng Quốc Long nhận định, nghị định này thực hiện thí điểm tại Đà Nẵng, nhưng không thể vượt các đô thị khác như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các quy định chung của Trung ương.

“Tinh thần là phải đổi mới, chứ chúng ta cứ băn khoăn mãi về 12 phòng hay 8 phòng sẽ khó làm. Phải có tư duy mới,” ông Hoàng Quốc Long nói.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nêu rõ, về nguyên tắc, tăng giảm cấp phó như thế nào thể hiện năng lực của người đứng đầu như thế đó.

“Chúng ta giảm càng nhiều cấp phó, thể hiện năng lực người đứng đầu tốt, còn cấp phó nhiều, cấp trưởng làm gì?” Thứ trưởng Bộ Nội vụ đặt câu hỏi.

Theo ông Trần Anh Tuấn, số lượng cấp phó phù hợp khối lượng công việc, phạm vi quản lý của địa phương.

Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu số lượng các cơ quan chuyên môn giúp việc cho Ủy ban Nhân dân quận đảm bảo khoa học. Mô hình chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng có những điểm riêng biệt, thể hiện tính cải cách nhiều hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục