Bộ Tài chính lên tiếng lý giải về việc giá xăng tăng cao kỷ lục

Với các mức thuế và giá bình quân của xăng A95 trên thế giới làm cơ sở tính điều chỉnh giá ngày 11/2 vừa qua, mỗi lít xăng A95 đang bán trên thị trường đang chịu các khoản thuế khoảng 9.000 đồng.
Bộ Tài chính lên tiếng lý giải về việc giá xăng tăng cao kỷ lục ảnh 1Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh xăng dầu trên đường Trần Khát Trân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Hiện, giá xăng A95 đã vượt mốc 25.000 đồng/lít, riêng các khoản thuế chiếm gần 40% giá bán tới người tiêu dùng. Đại diện Bộ Tài chính đã lên tiếng liên quan đến vấn đề này.

Trả lời báo chí, ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để theo dõi giá xăng dầu thế giới, giá cả trong nước, lạm phát…; từ đó tham mưu, báo cáo các cấp thẩm quyền tìm giải pháp điều hành giá xăng dầu, điều tiết từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Về quan điểm các khoản thuế đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá xăng dầu, ông Tuấn cho rằng, chính sách thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nên tính ổn định tương đối cao, áp dụng trong thời gian dài. Trong khi đó, giá xăng dầu được điều chỉnh liên tục theo kỳ 10 ngày 1 lần, biên độ điều chỉnh lớn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

"Chúng tôi luôn chủ động theo dõi diễn biến giá xăng dầu để đề xuất giải pháp, trình cấp thẩm quyền quyết định; trong đó có xét tới yếu tố thuế, nhưng đây là cả quá trình,” ông Tuấn nói.

[Bộ Công Thương sẽ thanh tra 33 đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu]

Thực tế, để hỗ trợ ngành hàng không, thuế bảo vệ môi trường với xăng máy bay (nhiên liệu bay) đã giảm 30% trong năm 2021 và giảm 50% trong năm 2022, nên nhiều ý kiến đề xuất giảm thuế này cho xăng dầu nhằm hỗ trợ nền kinh tế, như vận tải khách đường bộ.

Theo Vụ Chính sách Thuế, các hãng hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, rất khó khăn, Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay để hỗ trợ và áp dụng từ năm trước, còn các ngành khác vẫn tiếp tục theo dõi.

Với thuế giá trị gia tăng, theo ông Tuấn, mặt hàng xăng dầu nằm trong nhóm loại trừ không áp dụng giảm thuế từ 10% xuống 8% trong năm 2022 theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, xăng dầu không áp dụng chính sách giảm thuế này.

Theo Vụ Chính sách Thuế, hiện xăng dầu chỉ chịu các loại thuế, không thu phí và lệ phí nộp ngân sách. Các khoản thuế gồm thuế nhập khẩu (với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (chỉ thu đối với xăng, không thu với dầu) và thuế bảo vệ môi trường.

Hiện, thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) áp dụng với xăng là 20%, các loại dầu và nhiên liệu bay là 7%. Tuy nhiên, theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, thuế với xăng dao động từ 8-8,8% tuỳ hiệp định, các mặt hàng dầu từ 0-7%.

Theo Bộ Tài chính, xăng dầu Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc và các nước ASEAN, nên thuế nhập khẩu với xăng cơ bản ở mức 8% và dầu 0%.

Tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu trên thị trường chỉ chiếm khoảng từ 20-30%, phần còn lại được cung ứng từ các Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.

Với thuế giá trị gia tăng, xăng dầu chịu mức 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt mức 10% với xăng, không thu với các loại dầu (thuế này với xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%); thuế bảo vệ môi trường với xăng là 4.000 đồng/lít (xăng sinh học E5 và E10 thu với phần xăng gốc, không tính trên phần ethanol pha trộn), các loại dầu là 2.000 đồng/lít.

Với các mức thuế như trên và giá bình quân của xăng A95 trên thế giới làm cơ sở tính điều chỉnh giá ngày 11/2 vừa qua, mỗi lít xăng A95 đang bán trên thị trường chịu các khoản thuế khoảng 9.000 đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục