"Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo chưa đi thẳng vào vấn đề"

Kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân chiều 12/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét: "Với vốn hiểu biết rộng nên phần trả lời của Bộ trưởng có thêm nhiều thông tin, nhưng chưa đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu nêu lên."

Kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân chiều 12/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhận xét: "Với vốn hiểu biết rộng nên phần trả lời của Bộ trưởng có thêm nhiều thông tin, nhưng chưa đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu nêu lên."

Phần chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đều tập trung vào những vấn đề lớn như chất lượng giáo dục; chương trình, chất lượng dạy học; chính sách chăm lo giáo dục mầm non.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lăk) về vấn đề thành lập nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập và chất lượng của các trường này, Bộ trưởng cho biết năm 1997, cả nước có 110 đại học, cao đẳng, đến năm 2008 nâng lên thành 200 trường. Như vậy, sau 11 năm số lượng trường đại học, cao đẳng tăng gần gấp đôi.


Theo Bộ trưởng, vấn đề này có 3 lý do: nhu cầu của xã hội; bản thân gia đình muốn con em học và xuất phát nhu cầu của địa phương muốn có trường đại học. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh các trường đã nảy sinh nhiều vấn đề.


Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do các trường không đáp ứng đủ đội ngũ giảng viên theo tỷ lệ sinh viên; thiếu sự quản lý của các địa phương và nhiều trường không công khai thông tin về số sinh viên. Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã triển khai 10 giải pháp, trong đó trước mắt xin ý kiến Thủ tướng không thành lập thêm trường mới; ban hành tiêu chí cần thiết thành lập trường; đối với những trường không thực hiện cam kết tổng kết hàng năm sẽ có biện pháp xử lý. Đặc biệt, các trường phải công khai về cơ sở vật chất, trang thiết bị; công khai thu, chi tài chính; chất lượng đào tạo...

Nhiều đại biểu Quốc hôị cũng đã chất vấn Bộ trưởng về việc đổi mới giáo trình giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy học. Bộ trưởng thừa nhận đây thực sự là vấn đề bức xúc, nhiều trường hiện không có giáo trình khi Bộ đi kiểm tra. Tuy nhiên, Bộ đã có giải pháp cụ thể, ngoài việc đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, sẽ lập thành ban bao gồm các hiệu trưởng, các bộ, ngành chuyên khoa để xây dựng giáo trình phù hợp.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Thám (Thành phố Hồ Chí Minh) lo lắng tới nền giáo dục nước nhà trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới, Bộ trưởng thẳng thắn cho rằng, số học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế cao hơn nhiều so với năm trước, điều đó thể hiện chất lượng học của học học sinh được nâng lên. 


Tuy nhiên, hiện chương trình giảng dạy còn hạn chế, việc thiết kế môn học còn lạc hậu, số lượng môn học ở bậc học phổ thông nhiều, năng lực sư phạm còn yếu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh, nhất là phòng thí nghiệm; năng lực quản lý, điều hành còn lúng túng....

Từ thực tế này, Bộ trưởng đưa ra giải pháp, sắp tới Bộ sẽ hình thành các hội đồng biên soạn, sử dụng chương trình giáo dục của nước ngoài (hiện có 24 chương trình nước ngoài được sử dụng); chuẩn hoá chương trình đào tạo tiến sỹ.... Ngoài ra, yếu tố văn hoá cũng cần được đưa vào giáo dục, càng hội nhập sâu càng phải đưa bản sắc văn hoá dân tộc vào các chương trình giáo dục giảng dạy.

Để chấn hưng nền giáo dục kịp với thế giới, Bộ trưởng cho rằng, phát triển giáo dục phải có kế thừa và phải có quá trình để thực hiện, phù hợp với quy luật chung của xã hội. Để nền giáo dục Việt Nam theo kịp với khu vực và trên thế giới, phải thiết lập lại môi trường giáo dục xung quanh, nâng cao trách nhiệm của thầy giáo cả về đạo đức lẫn nghề nghiệp. Năm 2007, Bộ đã phát động cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức" và phát động phong trào thi đua “trường học thân thiện, học sinh tích cực” tới từng thầy cô ở tất cả các bậc học nhằm phát huy sức mạnh toàn xã hội trong việc chăm lo nền giáo dục nước nhà./.


(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục